Kiểu làm này đã từng được các nhà khoa học lên tiếng vì bản thân rừng kinh tế không thể thay thế rừng nguyên sinh trong việc giữ môi trường sinh thái. Vậy có hay không những khuất tất đằng sau các khu rừng kinh tế?
Tâm điểm chú ý của nhiều người dân tỉnh Phú Yên suốt hơn một tháng nay chính là khu rừng 110 ha nằm ở địa bàn huyện Đồng Xuân đã bị triệt hạ, trong đó 25 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nghiêm trọng hơn, một trong các đối tượng phá rừng lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 43 ha. Chính sổ đỏ này là ngọn nguồn dẫn đến vụ phá rừng.
Điều khó hiểu: Đây đã là khu vực rừng cần phải bảo vệ nhưng vì sao lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Liệu đây có phải là dạng thức biến rừng thành đất rừng để rồi sau đó có quỹ đất trồng rừng kinh tế?
Sự việc thêm một lần nữa khiến nhiều người phải đặt vấn đề về việc phát triển rừng kinh tế lâu nay. Ở huyện Đồng Xuân, trong số 42.000 ha rừng và đất rừng thì hiện tại rừng tự nhiên chỉ còn 23.000 ha và có đến 19.000 ha rừng kinh tế. Trong thực tế, cần phải phát triển rừng kinh tế để có nguồn gỗ thay thế rừng tự nhiên. Nhưng, sau một thời gian phát triển rừng kinh tế, không ít người dân bức xúc. Lợi ích đem lại từ các dự án rừng kinh tế đã không bù lại được những thiệt hại mà họ đang đối mặt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.