Các trò chơi điện tử, online từ lâu đã quen thuộc với nhiều thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nó nguy hại khi vượt ra khỏi việc giải trí đơn thuần. Nhiều người đã bị game mê hoặc, chơi liền trong thời gian dài, thậm chí vài ngày liên tục.
Nhiều bạn trẻ không ăn, không ngủ để chơi game khiến cho cuộc sống trong game và đời thường lẫn lộn. Chỉ cần nhắm mắt lại, những bạn trẻ nghiện game như đang sống trong thế giới game. Điều này không chỉ tác động đến sức khỏe của người chơi, có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn thần kinh hay coi bản thân như nhân vật trong game. Đã có không ít trường hợp giết người, cướp của vì nghiện game.
Việt Nam có hơn 12 triệu người chơi game online và đa phần là trẻ em trong độ tuổi từ 10 - 15 tuổi.
Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại các rối loạn liên quan đến trò chơi điện tử và nghiện game là một rối loạn tâm thần dựa trên các bằng chứng khoa học về cơ chế bệnh lý của nó. Cơ chế ảnh hưởng đến não bộ của người người nghiện game cũng tương tự như nghiện ma túy và các chất kích thích khác. Ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, số người chơi game rất lớn, và nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang liên tục gia tăng.
Game vốn dĩ không xấu nhưng chơi game không đúng cách và lạm dụng nó sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Có những em học sinh tuổi còn rất nhỏ đã trở thành tội phạm giết người, cướp của, tất cả chỉ vì game.
Thực tế cũng có trò chơi điện tử được dùng làm phương tiện giáo dục và giải trí hấp dẫn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, nhiều trò chơi có tác hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần và hành vi của thanh thiếu niên. Do đó, ngăn ngừa việc chơi game đến mất kiểm soát và phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để tạo ra môi trường sức khỏe lành mạnh, dự phòng sớm các hậu quả của nghiện game là việc làm cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!