Toàn TP.HCM có gần 150 tuyến xe bus. Năm 2008 TP chi 639 tỷ đồng trợ giá xe bus, đến 2013 tăng lên 1.300 tỷ. Tiền trợ giá thì tăng phi mã theo từng năm, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 11% lượng hành khách tham gia phương tiện công cộng… Tại TP Hà Nội, để hệ thống 65 tuyến bus với hơn 1000 đầu xe vận hành tốt, mỗi năm thành phố cũng trợ giá mất 500 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người dân.
TP.HCM: Gần 150 tuyến bus Năm 2008: chi 639 tỷ đồng trợ giá. Năm 2013: 1.300 tỷ đồng trợ giá. Đáp ứng ~11% lượng hành khách. TP Hà Nội: 65 tuyến bus. Mỗi năm chi 500 tỷ đồng trợ giá. Đáp ứng ~10% lượng hành khách. |
Những con số về trợ giá không khỏi khiến nhiều người giật mình bởi đó đều là những khoản tiền khổng lồ, trong khi hiệu quả lại là con số quá nhỏ: chỉ 10-11%. Chính vì điều đó, ngày làm việc thứ 3 trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM, vấn đề trợ giá cho xe bus đã trở thành nội dung chất vấn khá gay gắt, bởi số tiền trợ giá 1300 tỷ/năm tại TP. HCM cho xe bus cao hơn mức thu ngân sách bình quân của 1 tỉnh, thành trung bình ở
ĐBSCL. Ông Võ Văn Sen, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM phát biểu: “TP.HCM quá sang, khi dành tới 1.400 tỷ/43.000 tỷ ngân sách để trợ giá xe bus. Với đà xúc tiến hiện nay, chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 1.400 tỷ nữa".
“Với mức trợ 50 – 60% của các nước trên thế giới, họ có thể giải quyết từ 60 – 80% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, trợ giá ở TP.HCM là 43% mới giải quyết được 11% nhu cầu đi lại của người dân”, Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM phát biểu.
‘ Thái độ phục vụ khách của các tài xế, phụ xe hay vấn đề trật tự trên xe bus là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người e ngại khi tham gia phương tiện công cộng này. (Ảnh minh họa)
Tại TP Hà Nội, theo Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng đến 2015, thành phố sẽ phát triển thêm 12 tuyến bus đưa số đầu xe lên khoảng 1500 xe. 500 tỷ đồng/năm trợ giá cho 1000 xe bus mà chỉ đáp ứng 10%, vậy đến 2015, số tiền trợ giá sẽ là bao nhiêu và đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu đi lại của người dân? Đây cũng là câu hỏi khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khó trả lời.
Có thể thấy rõ một vấn đề đang tồn tại ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện nay là sự lãng phí luồng tuyến, trùng lặp tuyến, cũng như nỗi kinh hoàng về nạn phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến, thái độ phục vụ kém của một bộ phận không nhỏ lái xe bus... khiến không ít người dân chẳng mặn mà với loại hình phương tiện công cộng. Làm sao để việc trợ giá không bị lãng phí mà vẫn phát triển hợp lý loại hình phương tiện công cộng này là việc mà các bộ ngành liên quan cần có sự tính toán cụ thể.
Hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng là xu thế tất yếu của những thành phố lớn. Tuy nhiên, để việc trợ giá cho loại hình phương tiện công cộng này đến năm 2020 sao cho không lãng phí, cân bằng giữa khoản tiền trợ giá với nhu cầu đi lại của người dân, thì việc cần thiết trước mắt đó là phải có một lộ trình điều chỉnh phí hợp lý. Quan trọng hơn đó là việc quy hoạch và phân bổ khoa học các luồng tuyến xe bus sao cho phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.
Mời quý vị và các bạn theo dõi Video Câu chuyện giao thông cuối tuần, để tìm hiểu thêm chi tiết về vấn đề Làm sao để tiền trợ giá xe bus không bị lãng phí?