Năm 2019, miền Trung đang hứng chịu đợt nắng kỷ lục. Nhiệt độ tại khu vực này tăng cao nhất từ trước tới nay, mưa lại ít khiến lượng nước bốc hơi càng nhanh.
Lượng trữ nước của các hồ chứa thủy lợi ở miền Trung giờ đây còn 30 - 60% dung tích thiết kế, 55 hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Còn tại Nam Trung Bộ, 281/520 hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Kết quả là hàng ngàn ha cây trồng bị chết và một diện tích lên tới hàng chục ngàn ha cũng sẽ chết nếu thiếu nước còn kéo dài.
Báo Nông nghiệp Việt Nam mô tả, ao hồ cạn trơ đáy dẫn đến thiết nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân. Không chỉ ở miền núi và đồng bằng mà ở một số xã đảo, người dân phải thức trắng đêm canh từng giọt nước mới có nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt đã như thế thì nước tưới tiêu ở đâu ra? Một số người dân tranh thủ vét từng giọt nước trên ao, đầm đưa vào ruộng để cứu cây lúa đang trổ đòng.
Tình hình tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng không khả quan hơn khu vực này đang đối mặt với với tình trạng thiếu nước. Thực tế là nước sông Mekong đã xuống thấp tới mức kỷ lục và nguy cơ là lũ sẽ không xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với hiện tượng El Nino và La Nina nên lượng mưa thấp, tờ Người Lao động dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng nước về ít còn là do một nguyên nhân nữa, đó là đập thủy điện. Vì vậy, khi đập Cảnh Hồng của Trung Quốc giảm một nửa lưu lượng để sửa chữa lưới điện, đập Xayaburi ở Lào đã đóng để vận hành thử thì lượng nước thấp là dễ hiểu.
Trong bài viết "Sông Mê Kông "trơ đáy", ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt", tờ Thanh niên nêu lên hàng loạt những nỗi lo như hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh và chắc chắn là không có phù sa bồi đắp cho đồng bằng.
Cùng với Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar là các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng từ các tác động nói trên.
Tờ Bưu điện Thái Lan gần đây cho rằng, hạn hán bất thường trên sông Mê Kông là lời cảnh tỉnh cho các bên liên quan về việc thay đổi mô hình tiêu thụ năng lượng và thúc giục chính quyền các nước thay đổi cách phát triển trước khi tình trạng này trở thành điều bình thường quanh năm.
Một số chuyên gia cho rằng, các giải pháp cần tính đến bao gồm việc nạo vét cho sâu thêm ở những khu vực trũng để có nhiều hơn không gian trữ nước, đồng thời chọn những giống cây trồng cần ít sử dụng nước để gieo trồng và phải tiến hành ngay từ lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!