Theo các chuyên gia và nhóm khoa học, đến năm 2025 tổng lượng nước của Việt Nam sẽ giảm khoảng từ 5 - 10%, và đến những năm cuối của thế kỷ này, con số đó sẽ ở khoảng 25%. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, an ninh nguồn nước bị đe dọa và kéo theo hàng loạt hệt lụy khác.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, một trong những cống nước từ sông Hồng về sông Nhuệ, phục vụ tưới tiêu và nước sinh hoạt cho hàng chục vạn hộ dân. Giờ mực nước sông Hồng xuống thấp, nước không thể vào được. Thậm chí, việc vận hành ở đây đang ngược lại, nước từ sông Nhuệ chảy vào sông Hồng và đều là nước thải. Những hộ dân sống xung quanh phải sử dụng nguồn nước giếng khoan.
Đáy sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã sụt sâu thêm 4m vì khai thác cát. Nhiều dòng sông khác cũng tương tự. Phá rừng, khai khoáng, xây dựng, rác thải đã khiến nguồn nước mặt ô nhiễm, suy kiệt. Nguồn nước ngầm bị khai thác không kiểm soát.
Bài học từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, do quản lý nguồn nước yếu kém trong nhiều thập kỷ đã khiến người dân và ngành nông nghiệp điêu đứng trước những đợt hạn hán, dẫn đến các vụ mùa thất bát, thất nghiệp và bất ổn.
Việt Nam nếu không quản lý nguồn nước một cách hiệu quả cũng phải đối diện những vấn đề như vậy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!