Trong khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 3 – 4 vụ ô nhiễm nước ở quy mô lớn và hang trăm vụ quy mô nhỏ rải rác trên cả nước. Những vụ ở quy mô cực lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển kinh tế nước ta như vụ ô nhiễm sông Thị Vải (2008), ô nhiễm biển miền Trung (2016)… Đây là những thực tiễn đòi hỏi sự cải cách sâu sắc về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng nước mặt của Việt Nam đang trên đà suy thoái nghiêm trọng, ngày càng lan rộng. Mức độ ô nhiễm nước mặt ngày càng nặng nề hơn.
Theo các chuyên gia, nếu tăng 1% GDP thì Việt Nam phải trả giá 3% thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Mỗi năm, ngành nuôi các loài cá tra, tôm chân trắng, tôm sú, ngao phải chịu thêm gần 1.400 tỷ đồng chi phí do ô nhiễm nước. Từ năm 2010 – 2016, những vụ cá tôm chết hàng loạt do chất lượng nước nuôi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn nước ô nhiễm cũng khiến nguồn trồng trọt bị thiệt hại nặng nề.
Bên cạnh đó, theo thống kê của WHO và UNICEF, trong năm 2011, số trường hợp tử vong do những vấn đề liên quan tới nước và vệ sinh lên tới 14.500 ca. Nguồn nước ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm.
Nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước có thể đến từ mỗi cá nhân trong quá trình sinh hoạt, từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề. Khi chất lượng nước đã bị suy thoái, việc khôi phục rất tốn kém, đòi hỏi nhiều thời gian. Trả giá cho môi trường cho nguồn nước sẽ đắt hơn những gì có trước mắt.