Mùa mưa bão đã đến, nhiều tỉnh miền núi Việt Nam đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề về người và của bởi tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét. Thậm chí, những thương vong sau bão còn nghiêm trọng hơn lúc cơn bão hoành hành.
Nguyên nhân là do công tác phòng chống lũ sau bão vẫn chưa được chú trọng nhiều bằng phòng chống trước và trong bão. Ngay cả khi chưa có bão, nguy cơ sạt lở đất đá đã là vấn đề đặt ra với nhiều địa bàn miền núi.
Trong trường quay Vấn đề hôm nay ngày 2/8, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây cũng là đơn vị đã được Chính phủ giao cho thực hiện đề án về lập bản đồ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá thuộc 37 tỉnh thành trên cả nước.
Phó giáo sư Trần Tân Văn cho biết, nguy cơ sạt lở đất trong năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Để giảm được những nguy cơ này, chúng ta phải có những thay đổi trong nhận thực cũng như hành động. Nhận thức về bão lũ thiên tai cần phải được đầy đủ. Chúng ta rất quan tâm đến trước và trong cơn bão nhưng sau khi cơn bão qua đi thì chúng ta lại chủ quan. Trượt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau bão, thậm chí là sau vài hôm. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cùng nhân dân phải tiếp tục cảnh giác để giảm nhẹ tối đa thiệt hại” - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản khẳng định.
Về bản đồ phân vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, Phó giáo sư Trần Tân Văn đã nêu ra mục đích sử dụng trước mắt và lâu dài: “Mục đích thứ nhất là để chúng ta nhận biết những diện tích sạt lở để phòng tránh, sơ tán trước khi sạt lở xảy ra. Về lâu dài, bản đồ này cần phải tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, qua đó điều chỉnh lại phân bố dân cư”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.