Tại Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp, ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án đền bù giải phóng mặt bằng thì chủ chuyển đổi phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng được chuyển sang mục đích khác. Thế nhưng, nhiều dự án thủy điện triển khai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn cố tình phớt lờ việc trồng rừng thay thế, với diện tích lên đến hàng trăm ha.
Điển hình, dự án thủy điện A Lưới, có công suất 170MW, tại xã Nhâm, huyện A Lưới. Để thực hiện dự án thủy điện này, từ năm 2007, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Miền Trung đã thu hồi 140ha rừng của người dân trên địa bàn, nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay phía thủy điện chỉ mới trồng lại được 70ha rừng thay thế.
Giải pháp mở mà tỉnh TT-Huế đưa ra là ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức giá 73 triệu đồng/ha; tức là các công ty thủy điện nếu không có khả năng thực hiện trồng rừng thì buộc phải nộp tiền, để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng triển khai việc trồng rừng song vẫn không được chấp hành. Tại cuộc họp mới đây, tỉnh TT-Huế đã yêu cầu các công ty thủy điện phải hoàn thành việc trồng rừng chậm nhất vào tháng 4/2017; đồng thời có những biện pháp xử lý kiên quyết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!