Theo quy định của Bộ Công thương, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh sẽ phải có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công, đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hiện trên cả nước đang có hàng ngàn hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công không đạt được những điều kiện trên.
Tính riêng tại Hà Nội, trong hai tháng qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra gần 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, niêm phong gần 55.000 lít rượu, hàng nghìn chai rượu các loại, xử lý trên 700 cơ sở với số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Thực tế, các hộ sản xuất kinh doanh rượu thủ công thường tập trung tại các địa bàn như huyện Thanh Trì, Phú Xuyên... Và hầu hết các hộ này đều chưa có đăng ký kinh doanh, chưa được cấp giấy phép sản xuất và cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện VSATTP.
Lý do mà hầu hết các hộ sản xuất, rượu thủ công chưa đăng ký kinh doanh là bởi người dân sản xuất rượu nhỏ lẻ, không liên tục. Ngoài ra, nhiều hộ cũng phản ánh thủ tục cấp phép sản xuất còn quá phức tạp, hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm kinh doanh cần nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, liệt kê tên rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu dự kiến sản xuất...
Trước tình trạng này, nếu thực hiện đúng quy định thì phần lớn các hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn Thủ đô sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên, Nghị định 94 về sản xuất và kinh doanh rượu có quy định các hộ sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu sẽ phải đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất; UBND xã, phường nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở kinh doanh rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu là cơ quan để các tổ chức, cá nhân đến đăng ký sản xuất rượu.
Trước quy định này, lãnh đạo huyện Thanh Trì - Hà Nội đã tiến hành tháo gỡ cho các hộ sản xuất rượu trên địa bàn bằng cách rà soát, tập trung một số hộ nấu rượu có đủ điều kiện để làm hộ trung tâm, hướng dẫn cho các hộ này đạt tiêu chuẩn rồi thu mua từ các hộ nấu rượu nhỏ lẻ để chưng cất, chế biến lại rượu. Ngoài ra, UBND huyện còn giao cho các đơn vị xuống tận nơi sản xuất để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sản xuất rượu trên địa bàn về hồ sơ và giấy tờ theo quy định. Hiện mô hình này của huyện Thanh Trì đang rất được hoan nghênh và được khuyến khích nhân rộng.
Ông Trần Văn Chung - Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, vấn đề trước mắt là phải hướng dẫn, hỗ trợ để các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu làm đúng quy định của pháp luật. Vì thực tế, rượu nấu truyền thống thủ công qua xét nghiệm hầu hết đều đạt chất lượng nhưng về thủ tục hành chính thì lại không đạt.
Hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra yêu cầu các hộ sản xuất rượu tuyệt đối không sản xuất kinh doanh rượu pha chế từ nguyên liệu, cần không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn. Người tiêu dùng không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không rõ nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!