Từ đầu năm 2016 trở lại đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra khoảng 800 vụ cháy lớn nhỏ. Hầu hết các vụ cháy đều được người dân dập tắt và khống chế tại chỗ, chỉ có một số vụ bùng phát mạnh mẽ gây thiệt hại lớn về người và của. Nhưng những con số trên cũng đã đủ cho thấy ý thức chấp hành và kiến thức PCCC của người dân còn rất kém. Thực tế, chỉ có một số ít hộ dân, hộ kinh doanh trang bị trong nhà những vật dụng PCCC cần thiết như bình cứu hỏa hay hệ thống PCCC tự động.
Sau vụ việc cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người thiệt mạng, lực lượng cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các quán karaoke trên địa bàn. Theo lực lượng cảnh sát PCCC, nhiều quán karaoke tại quận Đống Đa và Ba Đình đã cố ý dừng hoạt động để tránh bị kiểm tra. Tuy nhiên, việc kiểm tra vẫn được thực hiện dù chủ cơ sở có vắng mặt. Nhiều quán mặc dù đã tự giác khắc phục sai phạm về biển quảng cáo nhưng vẫn còn mắc những lỗi nghiêm trọng như không đảm bảo cầu thang thoát nạn, bình chữa cháy được trang bị mang tính hình thức; sử dụng vật liệu cách âm, cách nhiệt không đúng quy định về phòng cháy chữa cháy…
Vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông vẫn để lại nhiều nỗi kinh hoàng khi khiến 13 người tử vong
Nói về vụ cháy quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông – Cầu Giấy, Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trường phòng Cảnh sát PCCC số 2, CATP Hà Nội cho biết: "Vai trò của người chủ cơ sở rất quan trọng. Đáng nhé, ở những cơ sở như vậy phải có quy định, nội quy, sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm để khách có thể nhận biết. Hầu hết các quán karaoke đều sử dụng thang máy để khách di chuyển, còn những lối đi thoát hiểm, cầu thang bộ thì chỉ có nhân viên mới biết được. Khi xảy ra cháy, khói mịt mù thì khách cũng khó tìm được lối thoát nạn".
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn: "Hầu hết các hộ kinh doanh đều thuê mặt bằng vậy nên họ khá gấp gáp trong hoạt động buôn bán mà bỏ qua mất khâu PCCC, họ chuyển đổi từ nhà ở thành cơ sở kinh doanh nên không đảm bảo điều kiện PCCC và thoát nạn. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc kinh doanh mà không đảm bảo được công tác PCCC thì nếu có rủi ro cháy nổ xảy ra sẽ không lường trước được hậu quả. Trong việc làm ăn buôn bán, chỉ cần người chủ sơ sẩy để xảy ra cháy nổ cũng có có mất hết cả gia tài, không thể lấy lại được".
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần phải nâng cao ý thức PCCC của các chủ cơ sở kinh doanh và mọi người dân
Theo quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa cộng đồng, chủ cơ sở quán karaoke muốn được cấp giấy phép kinh doanh cần phải đảm bảo các điều kiện: Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ. Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
Theo Thông tư số 47/2015 của Bộ Công an, chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke phải trang bị bình chữa cháy; Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
Hệ thống âm thanh, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện và việc bố trí thiết bị này trong công trình phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín cả nhà và các công trình, các lối thoát nạn, ban công...
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, chủ cơ sở kinh doanh. Những người chủ cần phải nắm rõ được các quy định PCCC, tổ chức cho các nhân viên tìm hiểu, có kỹ năng PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy nổ. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ nhưng nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt, lắp đặt thiết bị điện an toàn, có hệ thống PCCC, sơ đồ hướng dẫn thoát nạn cho khách khi cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!