Hình ảnh lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông. (Ảnh: VTV News)
13 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông
Khoảng 13h30 ngày 1/11, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu vực số nhà 39-45 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng. Một số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn đã bị thương trong lúc cố gắng dập lửa, cứu người.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về vụ cháy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người mắc kẹt trong đám cháy, đồng thời chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội sớm điều tra và kết luận nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân, chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động các quán karaoke, nhà hàng không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội, Công an Hà Nội kịp thời khắc phục hậu quả vụ cháy; khẩn trương tiến hành vào cuộc điều tra xác minh làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay một số nội dung nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả, chủ động ngăn chặn, hạn chế tối đa cháy, nổ tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại miền Trung và Tây Nguyên
Sau khi mưa lớn gây ngập lụt tại khu vực Bắc Trung Bộ, đến nay, tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lũ lại đang diễn biến phức tạp.
Mưa lớn khiến nhiều địa phương phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai bị ngập lụt. Trong đó, thị xã Ayun Pa hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, nước lũ sông Ba xấp xỉ mức báo động 3.
Tại thị xã An Khê, lực lượng chức năng của địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 10 hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Nhiều cánh đồng lúa nước ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa cũng bị ngập trắng.
Mưa lớn cùng với nước trên núi đổ về cũng đã làm nhiều thôn, làng ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập nước. Tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến Quốc lộ 49A qua địa bàn có trên 10 điểm bị sạt lở. Nhiều công trình cầu tràn và thủy lợi bị hư hỏng.
Tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), 10 xã với gần 27.000 người dân bị cô lập toàn bộ do tuyến đường huyết mạch 40B nối từ thành phố Tam Kỳ lên Nam Trà My bị chia cắt. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố tại địa bàn này.
Không chỉ tuyến đường lên trung tâm huyện bị chia cắt mà ngay tuyến đường từ huyện đến các xã cũng bị sạt lở. Điện, nước sinh hoạt liên tục bị mất; hạ tầng viễn thông cũng mất liên lạc. Hầu hết học sinh tiểu học và mầm non trên toàn huyện được nghỉ học.
Quốc hội thảo luận kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
Ngày 2/11, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Thẳng thắn chỉ ra vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời đề xuất các giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế thành công trong giai đoạn sắp tới.
Các đại biểu đã đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và diễn biến phức tạp còn trong nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai nhưng kinh tế vẫn phát triển ổn định và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong giai đoạn tái cơ cấu kinh tế 5 năm trước. Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu kết nối, lãng phí nguồn lực, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn chỉ là hình thức.
Giai đoạn 5 năm tới sẽ có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế, vì thế nhiều đại biểu cho rằng việc đưa ra các giải pháp căn cơ để tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, đưa nền kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực.
Một số đại biểu đề nghị cần quan tâm đến việc nâng cao chỉ số về môi trường, bởi để phát triển bền vững và tái cơ cấu thành công cần quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Để tái cơ cấu thành công, một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.
Cũng trong tuần này, ngày 4/11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết Trung ương 4
Ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được ban hành, dư luận cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cấp ủy các cấp đã đánh giá cao nội dung của Nghị quyết với việc nhận diện suy thoái rõ ràng hơn cũng như đưa ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng sẽ đẩy lùi được suy thoái trong Đảng.
Thi hành kỷ luật cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Ngày 2/11, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Theo đó, Ban Bí thư xác định Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian từ 2011 - 2016 đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ và vi phạm quy chế làm việc của Ban...
Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn trên còn thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương được xác định đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban và của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Theo Ban Bí thư, với vai trò, trách nhiệm là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!