Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đó là việc sửa đổi, bổ sung điều 4 của Hiến pháp năm 1992. Trong đó hầu hết các ý kiến góp ý đã khẳng định một số điểm mới và những nội dung tiến bộ được bổ sung những quy định về Đảng trong Dự thảo sửa đổi lần này. Nhiều ý kiến cho rằng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử.
Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này quy định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, đóng góp cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đã có nhiều ý kiến bày tỏ hoàn nghênh đối với những điểm mới này.
TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo, TP.Hà Nội nêu ý kiến: “Điều 4 của Dự thảo có nhiều tiến bộ, đó là ghi nhận Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, vì nếu trước đây không quy định như vậy thì ai giám sát hoạt động của Đảng. Tôi cho rằng, Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, để đảm bảo hoạt động của đảng là trí tuệ của toàn dân chứ không chỉ của Đảng”.
Ông Lê Tiến, Hội Luật gia Việt Nam nhận xét: “Hiến pháp lần này có tiến bộ, chúng ta có ghi Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, nhưng chưa cụ thể, cho nên cơ cấu chung của Hiến pháp chia làm hai phần, một phần nói về quyền lực nhân dân, tức là thể chế chung, phần thứ hai nói về các tổ chức lãnh đạo và quản lý xã hội. Ta viết 1 chương riêng về Đảng, trước Quốc hội, sau đó ta nói Quốc hội, rồi đến Chính phủ, bởi vì Đảng phải chịu trách nhiệm, Đảng có quyền lực thì phải chịu trách nhiệm”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, trong suốt 80 năm qua, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này là hết sức cần thiết, điều này không chỉ thể hiện được rõ vai trò trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, thể hiện mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, mà thông qua đó còn là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát với Đảng, đảm bảo hoạt động của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước.
“Dự thảo đưa thêm đảng viên vào hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, trong điều kiện hiện nay thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong việc gương mẫu thực hiện, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền và việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội và các quyết định của đảng nói chung”, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM nói.
Việc khẳng định sự giám sát của nhân dân đối với Đảng cũng như ghi nhận việc đảng viên và các tổ chức của đảng phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật trong Dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này còn có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong lúc cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Đây cũng là cơ sở để các đảng viên và tổ chức của Đảng ngày càng phải gương mẫu tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật, từ đó góp phần tạo niềm tin trong nhân.