Trước khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực (tháng 7/2016), Báo cáo tổng kết công tác tư pháp của Bộ Tư pháp cho thấy có tới hơn 10.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính pháp lý.
Quy định xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được đưa ra khi mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan trên thị trường. Tem nhãn giả bị phát hiện khắp nơi, và khi được dán lên mũ bảo hiểm, ngay cả lực lượng chức năng cũng không thể xác định bằng nhãn quan.
Mọi quy định được đưa ra đều là cụ thể hóa văn bản pháp luật và phải phù hợp với thực tiễn xã hội, cũng như năng lực thực hiện của xã hội thì mới có tính khả thi. Còn văn bản pháp luật, theo lý thuyết lập pháp, được xây dựng trên nền tảng lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân. Chỉ khi đó, những quy định được đưa ra mới là ý chí chung của toàn xã hội và thực sự có sức sống. Nếu không tuân thủ lý thuyết lập pháp này, văn bản pháp luật chỉ là văn bản, khó có thể đi vào thực tế cuộc sống.
Mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, mua bán xe máy cũ không sang tên chính chủ, hay gần đây nhất là hành vi xả rác, tiểu bậy, vứt bỏ tàn thuốc lá… không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt tới 7 triệu đồng theo Nghị định 155. Đó chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều quy định khó hoặc không thể thực hiện do thiếu tính thực tiễn.
Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn các quy định được đưa ra theo ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành, bỏ qua việc khảo sát ý kiến của nhân dân vốn là đối tượng áp dụng, khiến quy định được đưa ra không phù hợp với thực tiễn và bất khả thi.
Ban hành văn bản pháp luật là giải pháp rất tốn kém, trải dài từ khâu soạn thảo đến chấp hành thực hiện. Mặc dù vậy, theo thống kê của Bộ Tư pháp, hàng năm tỷ lệ văn bản pháp luật do các ngành, các địa phương ban hành nhưng lại xung đột với hệ thống pháp luật chung là khoảng 30%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!