Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp: Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế

Anh Phương - Quang Anh (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 11/09/2016 12:46 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Việt Nam là một trong những sự kiện nổi bật trên các báo tuần này.

Với ý nghĩa quan trọng về chính trị, thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Pháp có thể tìm thấy trên hầu hết các trang báo ra trong tuần.

Báo Nhân dân đăng tải chi tiết các hoạt động của Tổng thống Francois Hollande ngay sau khi đến Việt Nam bao gồm cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp: Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Ảnh: Reuter)

Báo Quân đội nhân dân cho biết, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên đã khẳng định quyết tâm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao, điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục – đào tạo.

Tổng thống Hollande là vị Tổng thống thứ 3 của Pháp sang thăm Việt Nam sau các chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterand và Jacques Chirac. Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa với quan hệ hai nước bởi chuyến thăm gần nhất của một Tổng thống Pháp tới Việt Nam đã diễn ra cách đây 12 năm. Chuyến thăm được coi là luồng gió mới để Việt Nam và Pháp tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập cách đây 3 năm.

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp: Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế - Ảnh 2.

Đại diện Vietnam Airlines và Airbus ký Biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: Báo Công thương)

Trong bài viết Pháp đã tham gia trong sự chuyển mình của Việt Nam, báo Lao động nhấn mạnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 16 văn kiện, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực tương trợ tư pháp, dẫn độ, hợp tác tư pháp, đào tạo cán bộ, nông nghiệp, giảng dạy tiếng Pháp, ứng phó với biến đổi khí hậu….

Hợp tác kinh tế là là trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ Việt - Pháp

Năm ngoái, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2014. Hiện Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Tính đến tháng 4 năm nay, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong trong những quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam lần này hai nước đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về kinh tế. 

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp: Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế - Ảnh 3.

Báo Người Lao động khẳng định hợp tác kinh tế là vấn đề ưu tiên trong quan hệ Việt Nam – Pháp.

Trong khi đó, báo Nông thôn ngày nay thể hiện sự quan tâm tới vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước qua dòng tít "Việt – Pháp phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại", trong đó nhấn mạnh việc ký kết trao đổi các văn kiện, thỏa thuận hợp tác.

Báo Đầu tư cho biết Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy của Pháp trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Nếu như trước đây, các dự án của Pháp vào Việt Nam có mức vốn trung bình tối đã khoảng 55 triệu Euro/dự án thì sau này các dự án đã có quy mô lớn hơn, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn như Dự án Metro Nhổn – Ga Hà Nội với tổng vốn 335 triệu Euro; Đại học Khoa học, Công nghệ Hà Nội 100 triệu Euro… 

Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp: Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế - Ảnh 4.

TGĐ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và TGĐ Airbus Fabrice Brégier tại lễ ký kết (Ảnh: Báo Công thương)

Tờ Thời báo kinh tế Việt Nam đã đăng chi tiết 16 thỏa thuận và Hiệp định được hai nước ký kết, trong đó, nổi bật về hợp tác kinh tế là thỏa thuận mua 40 máy bay Airbus trị giá 6,5 tỷ USD.

Một nội dung cũng rất quan trọng trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp, đó là hai bên đã khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, duy trì tự do hàng hải, hàng không. 

Trong tuyên bố chung gồm 19 điểm, hai bên cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, nỗ lực đạt được bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước