Sau khi nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về ma túy tem giấy hay còn gọi là bùa lưỡi và các tác hại của nó, đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi, làm thế nào để nhận biết được dấu hiệu của người dùng ma túy tem giấy, đặc biệt là đối với các em học sinh?
"Bùa lưỡi" hay ma túy tem giấy có hình dạng là miếng tem giấy cỡ 1,5 x1,5cm có tẩm chất gây nghiện LSD, người dùng có thể ngậm trong miệng hoặc dán lên da. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), Bệnh viện tâm thần Hà Nội: "Các dấu hiệu người chơi ma túy tem giấy rất giống dấu hiệu người chơi "hàng đá". Tuy nhiên liều lượng chất LSD được tẩm vào tem giấy khó gây nghiện tức thời mà phải dùng nhiều, khi chơi đủ độ sẽ gây ra trạng thái ảo giác được gọi là loạn thần".
Bùa lưỡi được bán công khai trên các trang mạng xã hội
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, một số biểu hiện nhận biết người "chơi tem giấy" là sợ hãi vô cớ, la hét, đôi khi hung hăng, có biểu hiện muốn tấn công người khác. Đặc biệt là có biểu hiện bỏ ăn, ngủ ngày thức đêm. Để dễ nhận biết các biểu hiện của con mình có chơi " bùa lưỡi" hay không, phụ huynh nên chú ý nhận biết nếu con mình thường xuyên mất ngủ ban đêm do tăng nhịp tim dẫn đến tình trạng ban ngày ngủ bù; biếng ăn do hoa mắt chóng mặt vì rơi vào trạng thái loạn thần, ảo thanh. Nếu trường hợp mới sử dụng lần đầu có thể sinh ra ảo giác, không chỉ về hình ảnh mà còn về thính giác như luôn nghe văng vẳng trong tai những suy nghĩ thù địch. Khi rơi vào trạng thái loạn thị thì tất cả các màu sắc, hình thái sự vật đều thay đổi, gây nguy hiểm nếu người dùng tham gia giao thông hoặc không ở trong không gian an toàn vì họ sẽ không nhận thức được nguy hiểm mà lao vào.
Hiện nay một số trang mạng xã hội như fanpage Hội ăn chay ăn cỏ đang tuyên truyền lộ liễu và hướng dẫn cách sử dụng các chất thức thần, LSD gây tò mò đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Một số fanpage còn quảng bá công khai chất ma túy này
Tại Hà Nội, các bệnh viện tâm thần chưa ghi nhận ca bệnh nào nhập viện vì loại ma túy mới này. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, nhiều khả năng Hà Nội cũng có các nạn nhân của "bùa lưỡi" song chưa được phát hiện, chưa có hậu quả để phải vào viện điều trị, cũng có thể người sử dụng là đối tượng quá trẻ nên gia đình giấu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!