Những điều cần biết về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS

VTV9-Thứ ba, ngày 03/10/2017 10:23 GMT+7

(Ảnh minh họa: VTV News)

VTV.vn - BHYT là một trong những giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dưới đây là những thông tin cần thiết về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS.

Lợi ích của Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nhiễm HIV/AIDS

Bảo hiểm y tế (BHYT) giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi bị ốm đau, bệnh tật cần khám, điều trị. Chi phí cho việc điều trị là rất lớn, có thể vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh, trở thành gánh nặng cho cả gia đình.

Đối với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác, phải điều trị bằng thuốc kháng virus ARV liên tục và suốt đời. Trong thời gian tới, khi không còn thuốc trợ cấp miễn phí, quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám, điều trị bệnh, xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con (bao gồm cả tiền thuốc và chi phí xét nghiệm) và các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.

Do đó, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng để chi trả bởi nếu không có thẻ BHYT, một người nhiễm HIV phải chi trả hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các chi phí thuốc ARV, xét nghiệm…

Thủ tục tham gia BHYT

Theo quy định hiện hành, người dân nói chung và người nhiễm HIV nói riêng có thể mua thẻ BHYT tại đại lý thu BHYT như: đại lý thu bưu điện, đại lý thu tại UBND xã, phường nơi cư trú hoặc trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện để mua BHYT.

Các giấy tờ cần thiết gồm: chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tờ khai tham gia BHYT mẫu D01-HGĐ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, thẻ BHYT được cấp miễn phí.

Người nhiễm HIV là lao động ngoại tỉnh

Người dân đi lao động xa nhà, bao gồm cả người nhiễm HIV vẫn có thể tham gia BHYT theo một trong hai cách sau:

- Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi tạm trú để lao động, sau đó tham gia BHYT bình thường tại nơi tạm trú theo quy định hiện hành.

- Tham gia BHYT tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú, sau đó sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện nơi tạm trú. Theo quy định hiện nay, việc khám, chữa bệnh đã được thông đến tuyến huyện trên toàn quốc.

Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đối với người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV cũng như những đối tượng khác có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, huyện tương đương. Trong một số trường hợp, người nhiễm HIV là đối tượng tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương tương đương theo quy định của Sở Y tế.

Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh có đăng khám và điều trị bệnh HIV trên địa bàn cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Trong trường hợp cần chuyển tuyến trên để điều trị bằng ARV, cần có giấy chuyển tuyến một lần có giá trị cho cả năm Dương lịch.

Tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT không ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân

Nhiều người HIV hiện nay băn khoăn, lo sợ về việc khi tham gia BHYT có thể bị lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng vì việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh nói chung, người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám, chữa bệnh và các quy định khác. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, đồng thời giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.

Từ 2017, người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT để được điều trị ARV miễn phí Từ 2017, người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT để được điều trị ARV miễn phí TP.HCM: Chỉ 1/3 người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT TP.HCM: Chỉ 1/3 người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT Nhiều người nhiễm HIV/AIDS chưa có BHYT Nhiều người nhiễm HIV/AIDS chưa có BHYT

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước