Một trong những nội dung của dự thảo khiến doanh nghiệp băn khoăn, và thu hút nhiều luồng dư luận, đó là giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần. Hiện vẫn đang trong giai đoạn tổng hợp lấy ý kiến để trình Quốc hội.
Bản thân người lao động chưa hẳn đã muốn giảm giờ làm vì còn liên quan đến đồng lương thu nhập của họ. Còn về phía doanh nghiệp thì sao?
Những nhà máy sản xuất như thế này nằm trong nhóm ngành sử dụng nhiều lao động. Cao điểm sản xuất có khi công nhân làm 48 giờ một tuần còn chưa đủ đáp ứng các đơn hàng. Vì thế, với đề xuất giảm giờ làm xuống còn 44 giờ một tuần đang khiến cho không ít doanh nghiệp lo lắng.
Cũng theo phân tích từ các doanh nghiệp, giảm giờ làm đồng nghĩa là họ phải tuyển thêm lao động nếu không thì đơn hàng không làm kịp tiến độ hợp đồng. Mà như vậy thì doanh nghiệp sẽ đội chi phí, đơn giá sản xuất tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh đặc biệt là hàng xuất khẩu.
Trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp, Ông Trần Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế lại cho rằng việc giảm giờ làm là điều mà Việt Nam nên tính đến để công nhân có thời gian tái tạo sức lao động.
Xung quanh dự thảo Luật lao động sửa đổi vẫn còn nhiều ý kiến. Các doanh nghiệp - những đơn vị trực tiếp chịu ảnh hưởng - cũng cho rằng: việc giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ một tuần là hướng đến của mọi quốc gia, nhưng dự thảo Luật lao động sửa đổi phải đánh giá dựa trên thực tế, nhất là khi Việt Nam năng suất lao động vẫn còn thấp so với trong khu vực./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!