Tờ Tiền Phong thông tin về một tờ phiếu thu được đăng tải trên mạng xã hội phản ánh việc Trường THCS Minh Tân với 20 khoản thu lên tới hơn 9 triệu đồng. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đã vào cuộc làm rõ, bước đầu xác định tờ phiếu thu không phải của nhà trường, chỉ là sản phẩm do ai đó chế ra. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, trường Minh Tân có tới 18 khoản thu trùng với các khoản thu mà tờ phiếu thu giả liệt kê. Hiệu trưởng nhà trường sau đó đã bị đình chỉ 15 ngày để giải trình.
Chưa đầy 24 giờ sau thông tin về mức thu đầu năm trên 9 triệu của trường Minh Tân, tờ Lao động cho rằng một kỷ lục khác lại được lập cũng tại Hải Phòng, đó là trường Tiểu học Đặng Cương, với mức thu tổng cộng trên 10 triệu đồng.
Ngay lập tức Phòng Giáo dục huyện An Dương đã vào cuộc và kết quả xác minh ban đầu của Công an xã Đặng Cương cho thấy, có một số khoản thu không đúng quy định, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Mạng xã hội cũng xôn xao về kỷ lục khác của một ngôi trường tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, với mức thu trên 16 triệu đồng. Phòng Giáo dục và Đào tạo Cao Lãnh mới đây đã họp báo và thông tin rằng việc phụ huynh bức xúc khoản thu 16 triệu đồng/năm là do phụ huynh chưa thống nhất.
Có thể nhận thấy một điều tích cực là các chính quyền địa phương đã vào cuộc nhanh chóng để thông tin cho báo chí và dư luận. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, vấn đề lạm thu là có, đã tồn tại kéo dài nhiều năm nay, gây rất nhiều bức xúc trong các phụ huynh, như hàng tít trên tờ Tuổi Trẻ "Đến hẹn lại lạm thu".
Theo tờ báo, trường nào cũng có nhu cầu xã hội hóa giáo dục để đầu tư cho cơ sở vật chất, đầu tư cho chuyên môn, những hoạt động ngoài giờ, tiền phát thưởng cho học sinh, tiền bảo vệ, tiền điện nước, tiền gửi xe, tiền xây tường rào, tiền đổ bê tông sân trường.... Nghĩa là, một số hiệu trưởng nhìn vào cái gì cũng thấy thiếu, cũng cần tiền mà kinh phí nhà trường thì có hạn nên nhà trường rất mong sự "chung tay" của phụ huynh trên tinh thần "tự nguyện".
Theo tờ báo, nhiều ý kiến phụ huynh gửi về chia sẻ rằng: "Hội phụ huynh chỉ là bình phong để hợp thức hóa các khoản thu của nhà trường, vì những lời kêu gọi về một quỹ tiền nào đó lãnh đạo nhà trường lại lên kế hoạch dự trù kinh phí từ trước và gửi đến phụ huynh, gửi đến từng lớp học".
Có ý kiến chia sẻ: "Toàn nhà trường gợi ý rồi lấy hội phụ huynh ra làm bình phong. Nếu ý kiến không nộp thì con mình học sẽ bị đối xử khác các bạn. Mà nộp thì "nặng" quá không gánh nổi". Có phụ huynh cho biết: "Học sinh nào vào lớp 1 cũng bị bắt đóng tiền mua tivi và máy chiếu, thậm chí cả laptop trang bị cho cô giáo. Danh mục đóng góp và mua sắm tại các trường học nào cũng giống nhau ở một số thiết bị như: tivi, máy tính, bàn ghế… "Không hiểu chất lượng của các thiết bị này thế nào mà mỗi năm phải mỗi thay?"".
"Phải cho chúng tôi sống với chứ" - tờ Lao động thốt lên. Vẫn là thứ "văn" rất cũ: "Khoản thu tự nguyện", "hội cha mẹ học sinh đề xuất". Nhìn thấy rất rõ mỗi trường thu một cách, tùy vào sự sáng tạo của thầy hiệu trưởng và nhìn thấy cả cách giải thích đã thành truyền thống: là khoản thu tự nguyện, đề xuất của hội cha mẹ học sinh.
Quả thật, là phụ huynh, có ai không bức xúc về tình trạng lạm thu tại các nhà trường, nơi con cái mình đang học. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi, tại sao tình trạng lạm thu lại xảy ra phổ biến như vậy? Cũng trên tờ Tuổi trẻ, một số hiệu trưởng trần tình: "Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ". Ngân sách hàng năm 85 - 90% chi lương, chỉ có 10 - 15% chi thường xuyên. Với khoản tiền ít ỏi thế, hiệu trưởng phải quyết chi rất nhiều thứ, chưa kể những hỏng hóc, sự cố phát sinh.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết tiền chi cho dọn vệ sinh chỉ đủ cho 2 người, trong khi nhân viên dọn vệ sinh phải làm quần quật tất cả các phòng học, nhà vệ sinh, khuôn viên, muốn thêm người nhưng không có tiền. Một hiệu trưởng khác đưa ra ví dụ: Bộ loa đài phục vụ hoạt động của trường hỏng, không xã hội hóa thì không có tiền mua.
Trong tâm thư của một số giáo viên ở Nghệ An gửi Bộ GD&ĐT vào cuối năm 2016, các cô giáo đã phân tích cái được và mất khi người thầy phải đứng ra xin tiền phụ huynh để làm cái này, cái kia, dù là làm cho học trò. "Nếu chỉ lo đi xin tiền để trang trải hoạt động này, công việc kia, chúng tôi không thể chuyên tâm cho mục đích chính là dạy học. Chưa kể, vị thế người thầy giảm sút khi chúng tôi ở tư thế của người đi xin tiền cha mẹ học sinh".
Theo tờ Thanh Niên, nguồn cơn dẫn tới lạm thu có gốc rễ từ những khó khăn về kinh phí của các nhà trường. Vì thế, nếu chỉ có các quy định ngăn chặn thu mà không giải quyết được nguyên do gốc rễ thì lạm thu vẫn tái diễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!