Tình trạng ô nhiễm không khí hậu quả trước mắt là những trẻ nhỏ đang chịu ảnh hưởng từng ngày từng giờ. Nhưng câu hỏi "Bao giờ tình trạng này chấm dứt?" vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Một trạm đo lường chất lượng không khí ở Hà Nội từng đưa cảnh báo có thời điểm ô nhiễm đã đến mức độ nguy hại. Tuy nhiên, những tác hại của sự ô nhiễm này không thể chặn đứng chỉ bằng những chiếc khẩu trang.
Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung uơng mấy tháng nay đã phải thành lập thêm đơn nguyên riêng cho các em bé bị bệnh hô hấp nặng, do số lượng trẻ mắc bệnh quá đông.
Thậm chí, một đề tài nghiên cứu khoa học về sự liên quan giữa ô nhiễm môi trường và bệnh hô hấp ở trẻ em đang được triển khai tại bệnh viện Nhi TƯ phối hợp cùng với Thụy Sĩ. Nó ra đời từ một sự bất thường, đó là bất chấp việc trẻ em ngày càng được chăm sóc đầy đủ và sự phát triển của ngành y tế, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp vẫn tăng lên chóng mặt, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Báo cáo mới nhất của UNICEF đã chỉ ra là khoảng 2 tỷ trẻ em trên thế giới đang phải sống ở vùng có không khí ngoài trời ô nhiễm. Một trong những thủ phạm vô hình là CO2. Đây cũng là tác nhân chính của khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Trong một ngày, lượng khí thải carbon tại Việt Nam là 500.000 tấn và chỉ trong hơn 1 thập kỷ tổng lượng phát thải carbon của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần.
CO2 sinh ra phần lớn trong quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch như từ các phương tiện giao thông, các nhà máy và nhất là các nhà máy nhiện điện sử dụng than hay gas. Đây là cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam được dự đoán sẽ còn tăng thêm rất nhanh do nhu cầu của nền kinh tế. Chúng ta đã từ chối điện hạt nhân. Thủy điện hầu như không còn chỗ để xây dựng thêm, trong khi đó, điện gió và điện mặt trời giá thành quá cao. Đó là lý do dù hiện tại nhiệt điện đang gây ra ô nhiễm nhưng năng lượng vẫn phải có để phục vụ nền kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!