Rừng bị phá hết ngày này qua ngày khác, mỗi ngày một ít, cứ âm thầm, dai dẳng nhưng mức độ hủy hoại không ai có thể ngờ đến. Hàng loạt cánh rừng thông, tài sản vô giá ở tỉnh Lâm Đồng đã bị xóa sổ theo cách như vậy.
Thực tế nhức nhối này từng được dư luận nhiều lần lên tiếng nhưng tình trạng phá rừng thông vẫn chưa dừng lại. Nếu cứ mãi như thế, khi nhắc đến Lâm Đồng người ta sẽ không còn nhớ đến những rừng thông xanh ngút ngàn và thơ mộng được nữa.
Những rẫy cà phê khá lạ mắt với nhiều người nhưng lại rất quen mắt đối với người dân xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Lạ mắt bởi cà phê được trồng ở giữa rừng thông và quen mắt bởi ở đây, không phải một mà hàng loạt rẫy cà phê đều như thế.
Nhìn bên ngoài, ai cũng dễ lầm tưởng, rừng thông còn nguyên vẹn. Nhưng càng đi sâu vào trong, rừng bị phát trắng. Thời điểm phóng viên có mặt, những gốc thông bị cưa hạ, dấu tích còn mới, đủ cho thấy mất rừng thông ở đây không phải do cây thông già cỗi, ngã đổ như cách biện hộ của nhiều người. Chính xác ở đây là phá rừng để lấy đất trồng cà phê.
Huyện Lạc Dương đứng đầu tỉnh Lâm Đồng về diện tích rừng thông và cũng là điểm nóng của tình trạng phá rừng thông lấy đất sản xuất. Nhiều cách thức để xóa sổ rừng thông từ cưa hạ, ken cây, đổ thuốc độc vào thông.
Những kiểu bức tử rừng thông âm thầm, dai dẳng diễn ra từ nhiều năm qua đã đẩy diện tích rừng thông suy giảm nhanh chóng cả về diện tích lẫn trữ lượng.
Dọc Quốc lộ 27C, theo người dân trong vùng, trước đây toàn là rừng thông, nay những cây thông còn sót lại như thế này trên những đồi cà phê. 150 ngàn hecta rừng thông hiện có ở tỉnh Lâm Đồng, so với 10 năm trước là giảm sút rõ rệt.
Quy hoạch khu vực đất sản xuất đã có. Vậy vì sao những rẫy cà phê mới xuất hiện, nghĩa là phát sinh diện tích đất sản xuất, lại không được kiểm soát kịp thời. Chính những lỗ hổng trong quản lý khiến cho đến khi rừng thông bị xóa sổ mới có những động thái ngăn chặn.
Hơn nữa, bài toán thiếu đất sản xuất cần được xem xét đúng thực chất. Một vòng luẩn quẩn lâu nay: chuyện mua bán rẫy cà phê trở nên rất nóng, khi đã bán rẫy cà phê, người dân địa phương lại không còn đất sàn xuất và rồi lại lấn rừng làm rẫy cà phê với danh nghĩa vì thiếu đất nên phá rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!