Nhìn lại thị trường bất động sản giai đoạn 2011 - 2015, có thể thấy sự trầm lắng với đỉnh điểm tồn kho bất động sản lên tới gần 130.000 tỷ đồng. Nhằm cân đối lại thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, qua đó người nghèo, người có thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định, quan điểm "Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân” đã được triển khai, góp phần giải phóng hàng tồn kho trong thời gian qua.
Báo cáo của ngành xây dựng cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 - 2015, thị trường bất động sản có tình trạng “lệch pha” về cung - cầu; tồn tại thực trạng dư thừa nhiều sản phẩm trung - cao cấp và thiếu các sản phẩm bình dân, giá rẻ. Chính vì vậy, phát triển nhà ở xã hội được coi là một giải pháp để điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm bất động sản đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán thực tế của thị trường.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Phân khúc nhà ở xã hội là một giải pháp rất đúng đắn và hợp lý. Thậm chí, tôi đánh giá đây là một giải pháp vô cùng thông minh để giữ được thị trường ổn định trong thời gian ngắn và không có tình trạng khủng hoảng tài chính tiếp theo khủng hoảng bất động sản”.
Sau 3 năm triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, tạo chỗ ở mới cho 780.000 hộ gia đình; khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
Thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội hướng tới người nghèo, đến năm 2020, khu vực đô thị trên cả nước sẽ có thêm khoảng 200.000 căn nhà ở xã hội, tạo chỗ ở ổn định cho khoảng 1 triệu người có thu nhập thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.