Phổ biến hiện tượng trục lợi BHYT

Kim Xuân (Ảnh: VTV News)-Thứ tư, ngày 21/08/2013 15:00 GMT+7

 Từ vụ hàng ngàn các mẫu xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức trùng nhau, có thể thấy các hình thức trục lợi BHYT rất đa dạng và khá tinh vi.

Đại diện BHXH Việt Nam đã từng khẳng định với Đài THVN sự việc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức “nhân bản” kết quả xét nghiệm một cách có hệ thống và tổ chức là trường hợp cá biệt, nhưng cũng thừa nhận thực tế rằng ở các bệnh viện vẫn đang diễn ra hiện tượng kê khống, chỉ định quá mức để lạm dụng và tăng nguồn thu không hợp lý.


Với hơn 1.400 giấy xét nghiệm máu có trùng kết quả, nhóm các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức hoàn toàn không mất tiền hóa chất, tiền điện và các chi phí khác, nhưng lại lấy được toàn bộ số tiền được bảo hiểm chi trả cho xét nghiệm. Điều tra của cơ quan Công an mới tạm dừng ở xét nghiệm máu đơn thuần, nên tổng thiệt hại của bảo hiểm được công bố ở mức trên dưới 16 triệu đồng. Tuy nhiên, cái mất nhiều hơn ở đây không phải là tiền, mà “việc này trái với đạo đức, trái với qui định của nghề nghiệp”, Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội nói.

Có thể nói, với những dạng trục lợi bảo hiểm khác, khi những xét nghiệm có độ phức tạp cao và trên những máy móc, kỹ thuật đắt tiền, tổn thất về tài chính của cơ quan bảo hiểm sẽ là những con số không nhỏ. Thực tế cho thấy, qua cuộc kiểm tra gần đây của BHXH Việt Nam tại 7 tỉnh, nhất là các tỉnh đã điều chỉnh tăng viện phí, các hình thức trục lợi bảo hiểm chủ yếu là lạm dụng cho thuốc, chẩn đoán, xét nghiệm, đặc biệt thường là trên các máy móc từ nguồn xã hội hóa (tức là do các công ty tư nhân lắp đặt tại bệnh viện).

Ông Nguyễn Lương Sơn - Trưởng ban Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam nói: “Trong thực tế quá trình kiểm tra, BHXH Việt Nam đã phát hiện ra những cơ sở như ở Bình Định và gần đây nhất là ở Kiên Giang đã có những biểu hiện tăng chỉ định quá mức những dịch vụ kỹ thuật. Đặc biệt là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh máy. Tính toán của đoàn kiểm tra cho thấy, bệnh viện chỉ định quá công suất của máy và số lượng dịch vụ kỹ thuật được qui định trong một ngày so với thời lượng cần có. Theo công thức tính, để thực hiện kỹ thuật đó một ngày phải có đến 27, 28 giờ đồng hồ chứ không phải 24 giờ như hiện nay”.

Có thể nói, trong khi việc ngăn chặn tình trạng lợi dụng quỹ BHXH không hề dễ dàng, chế tài xử phạt với hành vi lạm dụng quỹ BHYT với 40 triệu đồng như hiện sẽ chưa đủ sức răn đe. Thời gian tới, BHXH sẽ phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh hình thức thanh toán định suất, thay vì thanh toán theo phí dịch vụ. Việc giám định cũng sẽ thay đổi.

Ông Nguyễn Lương Sơn - Trưởng ban Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết: “Theo phương pháp giám định theo tỷ lệ, cơ quan BHXH được phép lựa chọn mẫu ngẫu nhiên trên tổng số hồ sơ bệnh án ra viện trong kỳ và khi phát hiện ra những sai sót sẽ lấy sai sót đó sẽ nhân với tổng thể những hồ sơ bệnh án thanh toán trong kỳ. Vì vậy, bản thân các nhà quản lý bệnh viện phải hết sức nâng cao trách nhiệm và chủ động hơn nữa trong việc kiểm soát chi phí. Đồng thời, chủ động chống lạm dụng ngay từ trong hàng ngũ nhân viên, bởi nếu sai sót đó rơi vào số hồ sơ được lựa chọn sẽ bị khấu trừ trên toàn bộ hồ sơ thanh toán”.

Câu chuyện của Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là hiện tượng vụ lợi tập thể có hệ thống. Nhưng không biết còn bao nhiêu những “Hoài Đức” như vậy, đang hàng ngày gây hậu quả làm thất thoát tài sản của nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm.

Mời quí vị theo dõi VIDEO dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước