Khu phố cổ từ trước đến nay luôn được xem là trái tim của Hà Nội - nơi có nhiều ngôi nhà lâu đời, lưu giữ nhiều đường nét cổ kính mang nhiều giá trị văn hóa của Thủ đô văn hiến. Tuy nhiên, tại đây cũng có nhiều ngôi nhà, ngõ "khổ" đang trong tình trạng xuống cấp, xập xệ, cần được nâng cấp và nhất là không đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) nếu xảy ra hỏa hoạn.
Từ đầu năm 2016, tại khu phố cổ Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy nhà: ngày 16/5, ngôi nhà số 86 phố Cầu Gỗ phát hỏa, đám cháy được xác định là ở tầng 4 - phần diện tích được cơi nới thêm của căn nhà nên rất khó tiếp cận; ngày 19/6, một vụ cháy cũng đã diễn ra tại căn nhà hai tầng số 88 đường Hàng Khoai thuộc khu phố cổ; vào ngày 29/6, người dân sống quanh khu phố cổ lại được phen hoảng hốt khi căn nhà số 48 phố Hàng Than bốc cháy tỏa khói đen nghi ngút. Điểm chung của những căn nhà này là được xây dựng từ nhiều năm về trước, chủ nhà khá chủ quan trong việc PCCC và ở vị trí phức tạp, nhiều khó khăn khi lực lượng cứu hỏa tiếp cận.
Nhiều đám cháy tại phố cổ do địa hình và không có đủ trụ nước cứu hỏa nên gây nhiều khó khăn trong công tác PCCC
Trên thực tế, phố cổ là nơi có mật độ dân cư cao, nhiều căn nhà có diện tích rất nhỏ, ở trong những ngõ ngách sâu và đang trong tình trạng xập xệ, xuống cấp. Các tuyến phố cổ thường là phố cũ nên phần lớn các công trình, nhà ở xây dựng theo hình ống, nhiều hộ gia đình sống chung một số nhà. Nhiều căn phòng chỉ có diện tích khoảng 10 - 25 m2 cũng là nơi sinh hoạt của 4, 5 người trong một hộ dân, bao gồm cả việc đun nấu nên nguy cơ xảy ra cháy cao. Không chỉ vậy, các nhà sử dùng chung hành lang với nhiều hệ thống dây điện, dây cáp được đấu nối lỏng lẻo, dễ xảy ra chập cháy nếu không để ý. Phần lớn các tuyến phố tại phố cổ đều nhỏ, ngắn, hình ô bàn cờ, vỉa hè lòng đường chật hẹp, mật độ tham gia giao thông cao, thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.
Mật độ dân cư cao, nhiều căn nhà tại phố cổ là nơi ở của nhiều hộ gia đình, chỉ có một lối đi chung nên rất khó khăn trong việc thoát hiểm nếu xảy ra sự cố cháy nổ
Ngoài ra, đối với những vụ cháy xảy ra tại những nơi giao thông thông thoáng thì xe cứu hỏa có thể tiếp cận dễ dàng để dập lửa. Nhưng nhiều khu vực tại phố cổ có những ngách rất sâu khó tiếp cận. Nếu một ngôi nhà xuống cấp, cũ kỹ xảy ra hỏa hoạn thì có nguy cơ cao lan ra những căn nhà khác vì sát vách và liền kề. Dường như nhiều đặc trưng của phố cổ trở thành khó khăn cho công tác PCCC.
Phố cổ có hàng trăm ngõ nhà sâu hun hút, rất khó để lực lượng PCCC tiếp cận nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn
Đại tá Trần Văn Vụ - trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết, khá lo ngại về nguy cơ cháy nổ ở khu vực phố cổ, đặc biệt là tuyến phố đi bộ nằm trong phố cổ vào những ngày cuối tuần. Bởi ở những khu vực này nếu không may xảy ra hỏa hoạn vào giờ cao điểm đông người qua lại thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận và hậu quả sẽ khôn lường. Bởi vậy tại khu phố cổ trong thời gian vừa qua, nhiều kế hoạch tuyên truyền an toàn PCCC đã được triển khai và tập trung cảnh báo hệ thống điện quá tải tại các nhà hàng, quán xá trên địa bàn.
Nhiều căn nhà tại khu phố cổ đã xuống cấp, sập xệ
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phải cùng với Cảnh sát khu vực tuyên truyền tới từng hộ dân, kết hợp với loa truyền thanh, vận động người dân tập huấn về PCCC. Thời điểm tổ chức tập huấn phải chọn vào buổi tối, từ 19h-21h để người dân có thể tham gia đông đảo.
Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có 30 tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận. Hiện Thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các hộ, cơ quan, tổ chức trong khu vực phố cổ thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và xây dựng các phương án phòng chống cháy nổ an toàn, hiệu quả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!