Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”

P.V-Thứ tư, ngày 06/11/2013 15:26 GMT+7

 Trong thời kì chiến tranh, phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tuy nhiên, bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” đã trở thành kim chỉ nam để người phụ nữ tu dưỡng, hoàn thiện bản thân.

Đề án 343 đi vào cuộc sống

Sự nghiệp CNH-HĐH đã đem đến nhiều cơ hội cho phụ nữ Việt Nam phát huy khả năng và những phẩm chẩt tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì hội nhập đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ.... Trước thực trạng đó, ngày 12/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010- 2015".

Mục tiêu của đề án nhằm tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Với vai trò là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Đề án, Hội LHPN Việt Nam đã làm tốt công tác chỉ đạo để đề án được triển khai sâu rộng trong các cấp hội Phụ nữ từ Trung Ương đến địa phương. Theo Báo cáo từ các tỉnh/thành, sau 3 năm triển khai đề án, đến nay, 100% các tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án.

Căn cứ kế hoạch của Ban Điều hành Đề án 343, hầu hết các Bộ, ngành (Hội LHPN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông) được phân công chủ trì các tiểu đề án đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động. Riêng Hội LHPN Việt Nam với vai trò chủ trì tiểu đề án 1, đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tiểu đề án trong hệ thống Hội. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo các phẩm chất đạo đức “ Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Hội đã phối hợp với Hội LHPN của 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Sóc Trăng, Đăk Lăk tổ chức triển khai hoạt động chỉ đạo điểm truyền thông cộng đồng về 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” tại 6 xã/phường. Đây là những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và người dân địa phương về sự cần thiết và ý nghĩa của việc rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ thời kì CNH, HĐH.

Gần 2000 giảng viên nguồn là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên đã được kinh qua các lớp tập huấn, đào tạo của Hội LHPN VN để triển khai các lớp tập huấn tuyên truyền viên về phẩm chất đạo đức phụ nữ của các ngành, đoàn thể tại 63 tỉnh, thành.

Kết quả là phụ nữ khắp ba miền Bắc- Trung- Nam đã có sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi theo 4 phẩm chất đạo đức đã xác định, tổ chức 12 cuộc truyền thông về 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” với sự tham gia của gần 2.500 phụ nữ thuộc nhiều thành phần khác nhau tại 6 tỉnh, thành điểm ; 6 cuộc tọa đàm với sự tham gia của 270 đại biểu đại diện Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, trường học, BCH Hội LHPN cơ sở, một số hội viên nòng cốt ở địa phương. 5.000 cuốn tài liệu “Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng về vấn đề đạo đức và giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ” tới 63 tỉnh, thành phố.

Với mục đích tuyên truyền, giáo dục 4 phẩm chất đạo đức đến nhiều nhóm đối tượng trong cộng đồng, trong năm 2013, Hội LHPN Việt Nam tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thông đặc thù tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin đại chúng: trong đó có 12 phim thông điệp truyền thông về giáo dục phảm chất đạo đức cho các nhóm đối tượng: nữ thanh niên, nữ nông dân, nữ công nhân và CBCNVC, nữ tiểu thương, phát sóng VTV1 và Đài PT-TH 63 tỉnh, thành phố; sản xuất 5 số chuyên đề phát sóng chuyên mục “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”- VTV1 Đài THVN; sản xuất câu chuyện truyền thanh bằng 3 thứ tiếng dân tộc phục vụ đối tượng phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh các tỉnh/thành, Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp với kênh VTV6, Đài THVN sản xuất các chương trình cho nữ thanh niên như: Điểm nóng, Đối thoại trẻ, Thư viện cuộc sống... Đây thực sự là những sản phẩm truyền thông hấp dẫn, có sức lan tỏa rộng lớn, tạo nên hiệu quả thiết thực từ nhận thức đến chuyển đổi hành vi của các tầng lớp phụ nữ và người dân trong cộng đồng.

Nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam

Trong 3 năm qua, việc triển khai sâu rộng đề án 343, đặc biệt là xây dựng các mô hình hoạt động tuyên truyền vận động rèn luyện các phẩm chất đạo đức PNVN đã có những kết quả khả quan. Điển hình như câu lạc bộ: Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, câu lạc bộ , Phụ nữ 4 chuẩn mực, Người phụ nữ mới, Phụ nữ tự tin...

Thông qua hoạt động của Hội, đã có trên 13 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến, từ đó nhận biết được những tiêu chí, biểu hiện cụ thể của những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cũng như biết nhận diện những biểu hiện đạo đức cần lên án, phê phán, phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành Hội đã củng cố các mô hình câu lạc bộ và lồng ghép tuyên truyền nội dung của Đề án. Điển hình, Hội LHPN: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội, Lạng Sơn đã củng cố mô hình câu lạc bộ với các loại hình khác nhau được coi là hoạt động hiệu quả, qua đó để chuyển tải nội dung phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Từ thực tế sinh động cho thấy đề án 343 thực sự được triển khai dưới nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo và có sức lan tỏa rộng khắp. Khi đề án đi vào cuộc sống, đã có chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động thực tế. Chị em phụ nữ không chỉ ở thành thị mà cả nông thôn đã tự tin vươn lên, khẳng định vị thế, tài năng, sáng tạo trong mọi hoạt động xã hội cũng như làm ăn kinh tế. Bằng chứng sống động nhất là cuộc thi viết những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” mà TW Hội PNVN phát động đã nhận được gần 20 nghìn bài tham gia dự thi của các tác giả cả nước.

Có nghĩa là gần 20 nghìn tấm gương phụ nữ tiêu biểu trên dải đất hình chữ S đạt những tiêu chí, phẩm chất của người phụ nữ trong thời kì CNH, HĐH đất nước. Họ là những cô giáo cắm bản hết lòng vì học sinh thân yêu, là những người phụ nữ dân tộc tự tin học hỏi các kĩ thuật tiên tiến, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương, là nhiều lắm những người phụ nữ năng động, sáng tạo không hề thua kém nam giới trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học…

Trong giai đoạn nước rút hiện nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của TW Hội LHPNVN, trách nhiệm thực hiện Tiểu Đề án của các Bộ Thông tin truyền thông, Giáo dục Đào tạo, Văn hóa Thể thao Du lịch, đề án 343 tiếp tục được tích cực triển khai trên khắp cả nước với quyết tâm hoàn thành có chất lượng các chỉ tiêu đặt ra.

Đề án 343 gồm 4 tiểu đề án:

Tiểu Đề án 1: "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015)" do Hội LHPN Việt Nam chủ trì;

Tiểu Đề án 2: "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các trường học (giai đoạn 2010 - 2015)" do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì;

Tiểu Đề án 3: "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng (giai đoạn 2010 - 2015)" do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì;

Tiểu Đề án 4: "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (giai đoạn 2010 - 2015)" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước