Nhiều đại biểu đánh giá Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) là dự luật rất quan trọng thể hiện được tinh thần Hiến pháp năm 2013. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, sau gần 4 năm Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, hiện nay còn nhiều tồn tại khiến cho xét xử và thi hành án hành chính khó khăn. Vì vậy, Ban soạn thảo có những sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu quả của luật.
Trước hết là việc phân định thẩm quyền tòa án nhân dân cấp huyện. Trước đây, các vụ kiện hành chính cấp huyện thì tòa án huyện xử. Về mặt lý thuyết tòa án xét xử độc lập, nhưng về mặt thực tiễn cho thấy tòa án cùng cấp có những liên quan, phụ thuộc, dễ dẫn đến việc xử lý không khách quan. Vì vậy, nhiều đại biểu đồng tình quy định trong dự thảo luật sửa đổi đó là giao việc xét xử hành chính của cấp huyện cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Một nội dung sửa đổi khác của dự thảo luật cũng được nhiều đại biểu tán thành đó là quy định người được ủy quyền tham gia vào toàn bộ thủ tục tố tụng, cụ thể là phải ủy quyền cho cấp phó có thẩm quyền thay mặt cho cấp trưởng; tránh tình trạng có nhiều người được ủy quyền không có thẩm quyền quyết định mà chỉ đến nghe rồi về báo cáo lại.
Về việc thi hành án theo một số đại biểu vẫn còn nhiều vấn đề, người dân kiện ra tòa hành chính thắng kiện được đã gian nan nhưng thi hành án còn gian nan hơn. Nhiều đơn vị không chịu thi hành cũng không bị kỷ luật khiến người dân rất vất vả, lại phải gửi đơn đến cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu những biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc về việc thi hành bản án hành chính.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.