Thị trường sách in những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi phải cạnh tranh với sách in lậu mà còn vì xuất hiện thêm một đối thủ mới - những cuốn sách điện tử vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng.
Mới đây nhất, câu chuyện vi phạm bản quyền bằng hình thức audio book (sách nói) trên mạng xã hội của Yeah1 Network đã khiến nhiều người bất bình. Đây là lần đầu tiên, một vụ vi phạm bản quyền sách dưới dạng sách nói bị phát hiện và bị phanh phui trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, Câu lạc bộ sách Sài Gòn phát hiện Công ty Yeah1 Network công khai tuyển dụng trên mạng xã hội số lượng lớn cộng tác viên thu âm sách nói với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nội dung công việc là nhận sách và đọc thu âm tại nhà, hướng dẫn thu âm và chỉnh file tạo ra thành phẩm. Nội dung tuyển dụng này đã thu hút hơn 60.000 lượt xem, hơn 3.000 lượt share và trên 3.000 lượt comment.
Điều đáng nói là, tuy đã nhận lỗi, nhưng Yeah1 Network vẫn tiếp tục thực hiện việc vi phạm bản quyền sách một cách ngang nhiên. Hơn 1.000 đầu sách được Yeah1 Network thực hiện dưới dạng sách nói mà không xin phép, thậm chí có cả những đầu sách mà các nhà xuất bản vẫn chưa kịp tung ra thị trường.
Vụ Câu lạc bộ sách Sài Gòn tố cáo Yeah1 Network chỉ như giọt nước làm tràn ly, vốn đã quá đầy những vụ việc vi phạm bản quyền sách trên mạng mà không bị phát hiện. Theo nhiều nhà xuất bản, sở dĩ công tác đấu tranh chống vi phạm bản quyền sách điện tử chưa quyết liệt do đây là hình thức vi phạm kiểu mới, sử dụng công nghệ cao và rất khó kiểm soát.
Vi phạm bản quyền sách điện tử hiện diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn: từ việc scan sách, phát hành bản PDF trên mạng, gõ lại nội dung sách, đọc sách làm audio book, cho đến việc tự dịch từ nguyên tác 1 quyển sách đã được mua bản quyền. Trên thực tế, việc làm sách điện tử lậu và copy ra nhiều bản cực kỳ đơn giản, không tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, vấn đề nhận thức về bản quyền sách trên mạng vẫn rất hời hợt.
Khi những hành vi vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi hơn, việc các đơn vị xuất bản, những người làm sách cùng nhau lên tiếng là điều cần thiết. Mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi các nhà xuất bản thu thập chứng cứ sách của mình bị vi phạm bản quyền trên mạng để tập hợp thành 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh, phục vụ cho việc đấu tranh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!