Sẽ có nhiều chính sách mới để phát triển dược liệu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/04/2017 20:11 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

VTV.vn - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định nhiều giải pháp để phát triển ngành dược liệu.

Sau khi nghe các doanh nghiệp và nhà quản lý dãi bày về những khó khăn, bất cập trong việc phát triển và khai thác tiềm năng của dược liệu, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định nhiều giải pháp để phát triển ngành này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định qua các kỳ tại hội nghị về phát triển dược liệu đã cho thấy Việt Nam có thị trường to lớn về dược liệu. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển.

Thủ tướng cho rằng ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc từ cây dược liệu chiếm ít nhất 30% là mức phấn đấu cao, đồng thời là cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Vì vậy, tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí phải sửa luật pháp, chính sách để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh ngoài cơ chế chính sách thì một số địa phương chưa quan tâm, chưa đặt vấn đề đúng mức về phát triển dược liệu. Một số bộ, ngành chưa quan tâm chỉ đạo để phát triển thế mạnh này của đất nước, chưa coi trọng y học cổ truyền, chưa biết kết hợp tốt y học cổ truyền và y học hiện đại.

Thủ tướng cho rằng nếu không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ thì đầu ra của dược liệu sẽ bế tắc; không đầu tư khoa học công nghệ, không sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt thì không thành công. Đặc biệt, việc quảng bá thương hiệu dược liệu Việt Nam ra nước ngoài còn rất nhiều yếu kém so với các nước lân cận.

Thủ tướng khẳng định quan điểm định hướng phát triển dược liệu trong thời gian tới phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng, tập trung phát triển. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Theo đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Từ những quan điểm định hướng này, Thủ tướng yêu cầu cùng với các thành phố lớn, các địa phương trong cả nước cần thu hút; đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn, có thị trường; nghiên cứu hình thành các trung tâm dược liệu ở miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Hội Dược liệu Việt Nam chọn 100 cây dược liệu quý trong số 5.000 loại dược liệu mà Việt Nam có để trồng, chế biến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Y tế lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý, hiếm bao gồm cả thuốc cổ truyền có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia.

Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng cũng như liên kết giữa các địa phương, các vùng.

Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu phát triển ẩm thực Việt Nam được chế biến từ dược liệu. Bộ Y tế được giao phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đi cùng với việc khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ và trách nhiệm, bố trí nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Các địa phương trọng điểm phải có nhân lực chuyên trách quản lý về dược liệu. Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Bộ Nội vụ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một văn bản chỉ đạo về phát triển, sản xuất và sử dụng dược liệu trong toàn quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước