Sự cố thủy điện Sông Bung 2: Nguyên nhân không chỉ do thời tiết bất thường

Ban Thời sự VTV-Thứ năm, ngày 15/09/2016 20:02 GMT+7

VTV.vn - Vì sao một công trình thủy điện xếp vào loại lớn của Nhà nước như Sông Bung 2 lại phải sử dụng quá nhiều nhà thầu phụ riêng lẻ và không được đánh giá cao về năng lực?

Theo số liệu trong những cuộc họp báo từ các đơn vị chủ quản của công trình Sông Bung 2 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương, hầm dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2 có chiều dài gần 400 m, rộng 12 m, cao 14 m được xây dựng trước khi thi công đập chính của thủy điện. Sau khi hoàn thành xây đập ngăn chính, đơn vị thi công mới được tiến hành ngăn hầm để dẫn dòng nước vào bể chính phục vụ cho việc phát điện.

Trong khi chờ kết luận chính thức từ phía Hội đồng liên Bộ, dù sự cố xuất phát từ phía khách quan hay lỗi chủ quan, do lỗi thiết kế hay lỗi thi công thì yếu tố kinh nghiệm thi công và việc giám định nghiệm thu chất lượng từng hạng mục của công trình cần phải được nhìn nhận lại kỹ càng hơn.

Thủy điện Sông Bung 2 đã được Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư EVN tổ chức nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8/2016 và hoàn thành cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9/2016, chỉ 10 ngày trước khi sự cố xảy ra. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thủy điện, về nguyên tắc, sau khi hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng thiết kế, Hội đồng nghiệm thu đánh giá, thẩm định đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước lòng hồ. Tuy nhiên, khi hầm dẫn dòng chưa được đóng khẩu hoàn toàn mà đã tích hàng chục triệu m3 nước trong lòng hồ là rất nguy hiểm.

Thủy điện Sông Bung 2 còn được đánh giá là thủy điện có số vốn đầu tư điều chỉnh bất thường hay còn gọi là bị đội vốn rất nhiều. Cụ thể, mức điều chỉnh đầu tư lên tới gần 40%, tương đương với 1.600 tỷ đồng. Mới đây, đã có tới 9 cán bộ và nhân viên bị truy tố ra tòa vì liên quan đến việc kê khống để nhận tiền giải tỏa đền bù.

Ngoài ra, báo cáo ngày 25/4/2016 của Tập đoàn EVN nêu rõ, Ban Quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực. Năng lực quản lý dự án của Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức, khảo sát đến chuẩn bị dự án và điều hành thi công xây dựng. Đặc biệt, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô lớn như thủy điện Sông Bung 2.

Nếu để thủy điện Sông Bung 2 tiếp tục tích nước cho đủ công suất thiết kế là 94 triệu m3 trong khi những đợt mưa lũ ngày càng dày thêm theo đúng đặc trưng khu vực miền Trung, thiệt hại sẽ khó có thể đong đếm được. Trong các báo cáo của Hội đồng liên Bộ trình lên Thủ tướng Chính phủ, nếu nguyên nhân vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 chỉ là do thời tiết bất thường thì người dân vùng hạ lưu sẽ không bao giờ có thể yên tâm sinh sống bởi trên Sông Bung 2 còn có tới 4 thủy điện khác.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTVOnline!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước