Bắt nghi phạm liên quan vụ sát hại bé gái người Việt tại Nhật Bản
Ba tuần sau khi vụ bé gái người Việt bị bắt cóc, sát hại tại Nhật Bản, ngày 14/4, cảnh sát Nhật Bản cho biết, đã bắt giữ 1 người đàn ông ngoài 40 tuổi là nghi phạm liên quan đến vụ việc gây chấn động dư luận cả 2 nước. Theo đó, nghi phạm bị bắt giữ có tên là Yasumasa Shibuya, một nhà bất động sản tại Matsudo, Chiba, sống gần khu vực nhà nạn nhân. Sau khi tiến hành xét nghiệm hiện trường, cảnh sát đã tìm ra nghi phạm, dựa vào các giám định ADN.
Trước đó, khoảng 8h, ngày 24/3, bé Nhật Linh rời nhà đi học, đến khoảng 8h40 cùng ngày giáo viên thông báo cho bố bé biết, bé Nhật Linh không tới trường. Nhận được thông tin này, bố Nhật Linh khi đó đang trên tàu đi làm lập tức quay lại phối hợp cùng nhà trường đi tìm xung quanh nhưng không thấy cháu nên đã trình báo cho cơ quan cảnh sát Abiko.
Sáng 26/3, cảnh sát thành phố Abiko phát hiện một thi thể bé gái có nhận dạng như bé gái bị mất tích, cách nơi bé học khoảng 10km. Tới chiều 26/3, cảnh sát Nhật xác định đó chính là bé Nhật Linh. Ngay sau khi xác nhận đây là một vụ bắt cóc, giết người, cảnh sát Nhật Bản đã tích cực điều tra để nhanh chóng tìm ra hung thủ đứng sau vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về dự án ở Sơn Trà
Chiều 14/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có báo cáo giải trình về dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại Sơn Trà, mà dư luận đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo, dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại núi Sơn Trà chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có hơn 30 hecta, giai đoạn 2 là gần 150 hecta. Tuy nhiên đến giai đoạn 2, Đà Nẵng mới phê duyệt ranh giới và được Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án. Do vậy, Đà Nẵng chỉ báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đầu tư xây dựng giai đoạn 1.
Tại báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra các cơ sở pháp lý để chứng minh Công ty cổ phần biển Tiên Sa tuân thủ đúng quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch đô thị... tuy nhiên, đã vi phạm quy định về xây dựng 40 móng và trụ các biệt thự du lịch, trong khi chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường. Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND thành phố hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án theo quy định hiện hành.
Kỷ luật nhiều cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển
Ngày 12 và 13/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 13. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011-2016 do đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để Bộ TN&MT và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT và các đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng TN&MT; Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường; Nguyễn Thái Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT; Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường là nghiêm trọng.
Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông
Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận. Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Nội dung chính của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng đến xây dựng "Chân dung" người học sinh mới. Theo đó, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, hướng học sinh đạt được 10 năng lực cốt lõi, bao gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất).
Bé gái 13 tuổi ở Cà Mau bị xâm hại
Những ngày qua, các phương tiện thông tin, truyền thông đăng nhiều tin, bài phản ánh vụ việc cháu gái Hoàng Mộng Kiều, sinh năm 2004, trú tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần.
Gia đình cháu Kiều đã có đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Cà Mau từ tháng 9/2016. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã ra quyết định về việc không khởi tố vụ án. Do quá uất ức, ngày 11/2/2017, cháu Kiều đã chết do tự tử.
Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc báo chí phản ánh để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; đồng thời, xem xét trách nhiệm của Công an tỉnh Cà Mau trong quá trình điều tra và quyết định không khởi tố vụ án hình sự; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 4/2017.
Nổ lớn tại Nam Định, 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương
Khoảng 21h ngày 13/4, tại xóm Thanh Minh, xã Trực Phú, huyện Trực Ninh (Nam Định), người dân nghe thấy một tiếng nổ lớn phát ra từ nhà ông Nguyễn Văn Thử (sinh năm 1948). Khi mọi người đến phát hiện 3 người chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng.
Danh tính các nạn nhân tử vong được xác định gồm: Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1986), Nguyễn Văn Trí (sinh năm 2007) và Nguyễn Văn Nam (sinh năm 2012). Người bị thương là Nguyễn Văn Thụy (con trai ông Thử) đang được cấp cứu tại bệnh viện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!