Bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII
Sáng 12/4, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Tại phiên họp ngày 12/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Trước đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bầu và phê chuẩn các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong kỳ họp này, bộ máy của Chính phủ đã được kiện toàn. Quốc hội khóa XIII đã bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Thông qua 197 ứng viên ở khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội
Sáng 14/4, tại Hội nghị hiệp thương lần 3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người ở khối các cơ quan, tổ chức Trung ương để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Sau Hội nghị hiệp thương lần này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 21/5/2016).
Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em qua mạng
Sự phát triển của công nghệ thông tin đang là một trong những điều kiện thuận lợi để tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trở nên khó ngăn chặn. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, đã có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Gần đây nhất là vụ nhân viên bảo vệ xâm hại tình dục hàng chục trẻ em tại trường Tiểu học La Pan Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) càng khiến người dân bàng hoàng. Tuy nhiên, đáng báo động là những vụ việc như thế này được ghi nhận ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành.
Vấn đề thực phẩm không an toàn “nóng” hơn bao giờ hết
Công an huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện số lượng lớn măng tươi đang được ủ đốt bằng hóa chất tại khu vực Nà Đình, thôn Nà Trắng, xã An Lạc. Toàn bộ số măng tươi bị phát hiện có khối lượng gần 22 tấn được các đối tượng thu mua của người dân, sau đó dùng hóa chất đun ủ, bảo quản để bán ra thị trường.
Không chỉ tại địa phương này, tình trạng sử dụng tràn lan chất vàng ô để nhuộm măng và một số thực phẩm khác cũng phổ biến tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tỉnh TT-Huế, Đà Nẵng…
Bên cạnh đó, trong tuần này, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ thực phẩm “bẩn” như: bán lại lợn chết trong quá trình vận chuyển cho các lò mổ với giá trung bình từ 300.000 - 400.000 đồng/xác lợn; thu giữ gần 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc ở chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; kiểm nghiệm mẫu bột màu đỏ cánh sen là phẩm màu Rhodamine B bị cấm sử dụng trong thực phẩm dùng để nhuộm màu cho ruốc tại tỉnh Phú Yên...
Trong hội nghị “Tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã khẳng định, đến hết quý II/2016 sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu như chất Salbutamol trong chăn nuôi, chất vàng ô trong thực phẩm; đến hết năm 2016 sẽ dẹp hết nguồn cung của thực phẩm bẩn là chất cấm và kháng sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.