Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần thời gian!

Ngọc Diệp-Thứ năm, ngày 28/03/2013 18:13 GMT+7

Ảnh: VTV

 Thanh toán không dùng tiền mặt hiện mới chỉ phổ biến với một bộ phận người tiêu dùng tại các thành phố lớn. Còn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, người dân thậm chí còn xa lạ với khái niệm ATM.

Sau 2 năm tích cóp, anh Hoàng Văn Văn và anh Hoàng Văn Đông quyết định ra thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang, mua xe máy cho gia đình. Là những người bao năm quen với công việc đồng áng, hai anh chưa bao giờ biết đến dịch vụ ngân hàng.

Mọi hoạt động thanh toán, kể cả với tài sản lớn với gia đình như xe máy, anh cũng luôn sử dụng tiền mặt. Không quen thuộc với dịch vụ ngân hàng là tình trạng chung của nhiều người làm nông nghiệp ở Lục Ngạn, Bắc Giang.

Còn đối với những công chức ở thị trấn Chũ hiện đang nhận lương qua tài khoản, hạ tầng ngân hàng tại huyện còn quá thiếu và yếu khiến họ cũng không mấy mặn mà với dịch vụ ngân hàng.

Anh Hoàng Ngọc Chức, Giáo viên thị trấn Chũ cho biết: "Cả huyện chỉ có 2 máy rút tiền. Lương được trả vào cuối tháng nên đi rút tiền phải xếp hàng rất lâu, do vậy chúng tôi thường rút hết một lần."

Hiện nay, xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân Lục Ngạn với hơn 50 nghìn chiếc, và chỉ khoảng 300 ô tô trên tổng số hơn 200 nghìn dân. Kinh doanh xe máy đã lâu năm, bà Lê Thị Hằng, chủ cửa hàng xe máy Trung Việt, Bắc Giang chia sẻ, có nhiều người nông dân Lục Ngạn phải đi quãng đường đến 70 cây số để ra đến thị trấn mua xe máy tại cửa hàng của bà. Nếu phải thanh toán tiền mua xe bằng tài khoản ngân hàng, nhiều người dân sẽ gặp khó.

Bà Hằng nói: “Khách hàng ở đây nhìn thấy cửa hàng đẹp còn thấy ngại, giờ bảo ra ngân hàng họ còn chẳng biết ngân hàng ở đâu”.

Chính Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn mà người dân phải chịu nếu mua xe máy, ô tô hay nhà đất phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

“Người dân ở đây có đến gần 50% là người dân tộc, nên họ không quen với dịch vụ ngân hàng. Bắt mua xe máy thanh toán qua ngân hàng là làm khó người dân” - ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.

Nói đến câu chuyện phát triển dịch vụ ngân hàng tại các địa bàn còn kém phát triển, đại diện ngân hàng cũng thừa nhận việc này thực sự khó khăn và tốn kém. Thậm chí ngân hàng không dám tính đến bài toán lợi nhuận tại địa bàn kiểu như thế này...

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình cho rằng: “Đầu tư mở một chi nhánh ngân hàng ở địa bàn còn kém phát triển rất tốn kém, phải có xe chở tiền riêng, xây dựng được đội ngũ nhân sự không phải dễ dàng”.

Câu chuyện tại Lục Ngạn, Bắc Giang hay việc 7 tỉnh thành miền núi phía Bắc cho thấy với nhiều địa bàn trên cả nước việc thanh toán qua ngân hàng khá khó khăn. Có lẽ, sẽ cần thêm thời gian khá lâu để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được phổ biến.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước