Thế lực nào đứng sau việc núp bóng nạo vét luồng lạch, hút cát lấy tiền?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 26/03/2017 09:19 GMT+7

VTV.vn - Khai thác cát lậu trên quy mô lớn, công khai và thách thức pháp luật tiếp tục là chủ đề lớn trên các báo trong tuần này.

Sau các vụ khai thác cát mặn để xuất khẩu sang Singapore mà báo Tuổi trẻ điều tra, rồi đến vụ khai thác cát núp bóng nạo vét luồng lạch ở Bắc Ninh, từ những vụ việc này, nhiều điều khuất tất trong việc khai thác cát lần lượt được báo chí phanh phui trong tuần qua.

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, không chỉ sông Cầu mà sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Yên Bái cũng được Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông - Vận tải cho nạo vét, người dân kêu mỏi miệng vì nhiều bãi màu và ruộng vườn bị sạt lở xuống sông.

Thế lực nào đứng sau việc núp bóng nạo vét luồng lạch, hút cát lấy tiền? - Ảnh 1.

Việc hút cát đã và đang uy hiếp nghiêm trọng đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên

Trong khi đó theo tờ Thanh Niên, thượng nguồn sông Đồng Nai những năm gần đây, hàng loạt tàu hút cát ngang nhiên hoạt động suốt ngày ngay sát bờ sông, bất chấp người dân phản đối. Hai bên bờ sông ở thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp nghiêm trọng đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tờ Thanh Niên cho biết, mẫu số chung của những sự việc này là ở chỗ đều liên quan đến những dự án được cấp phép đàng hoàng bởi các cơ quan chức năng. Vì thế, nếu vẫn dùng từ "cát tặc" để chỉ tình trạng hút cát sỏi tràn lan hiện nay thì có vẻ như "oan" cho những kẻ khai thác cát trộm.

Đáng chú ý tình trạng hút cát trên sông Cầu hay sông Đồng Nai mà báo chí phản ánh thời gian qua hầu hết đều có liên quan đến các doanh nghiệp có tên tuổi, có giấy phép và hoạt động công khai. Đáng nói hơn nữa, tình trạng này không chỉ có ở Đồng Nai hay Bắc Ninh mà xảy ra ở nhiều địa phương, diễn ra dưới danh nghĩa các dự án xã hội hóa nạo vét luồng lạch, nhưng bản chất là hút cát bán lấy tiền.

Sự việc nghiêm trọng hơn khi gần đây các báo đồng loạt phản ánh câu chuyện ở Cửa Đại, Hội An. Sạt lở nghiêm trọng trong 3 năm qua không chỉ đe dọa xóa sổ cả chục khu resort, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ mà cả thành phố Hội An.

Mới đây, báo Lao động cho biết, Nhà nước đã phải xuất ngân sách hàng chục tỉ đồng cho các gói dự án khẩn cấp để chống xâm thực bờ biển Cửa Đại. Nhưng thật oái ăm thay, chính những con tàu mà Ban Quản lý các dự án đầu tư TP. Hội An đang thuê để bơm cát, cứu bờ biển Cửa Đại lại đi hút khoảng 1 triệu m3 cát ngay tại Cửa Đại để bán cho các dự án lấn biển ngoài TP. Đà Nẵng.

Theo tờ Tiền phong, tại cuộc họp khẩn chiều thứ 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hội An đã đề nghị UBND tỉnh dừng dự án nạo vét luồng lạch của Cục đường thủy nội địa, và dự án nạo vét luồng lạch Cửa Đại do Hội An quản lý. Vì nhà thầu dự án thuộc Cục Đường thủy nội địa đã không phối hợp với chính quyền để kiểm tra, giám sát.

Thế lực nào đứng sau việc núp bóng nạo vét luồng lạch, hút cát lấy tiền? - Ảnh 2.

Thế lực ngầm nào đứng sau việc núp nóng nạo vét luồng lạch để hút cát để bán lấy tiền

Trước sự nghiêm trọng của các vụ việc tờ Pháp Luật Việt Nam đã đặt ra câu hỏi, nhóm lợi ích lớn cỡ nào mà khiến bộ máy công quyền cấp tỉnh bất lực? Một đất nước có hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ xã hội là chỗ không thể dung thứ cho những "thế lực ngầm", "xã hội đen". Mảnh đất dung dưỡng cho các thế lực này là sự buông lỏng quản lý, kỷ cương và đặc biệt là không kiểm soát nổi sự bành trướng quyền lực trong bóng tối.

Không chỉ ở các địa phương mà ngay tại Hà Nội, theo điều tra của phóng viên báo Tiền phong tối thứ 2 tuần này, tại khu vực sông Đuống, đoạn chảy qua xã Đặng Xá, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội các tàu hút cát vẫn ngang nhiên khai thác cát vào ban đêm trên sông Đuống. Công ty My Hương được cấp phép nạo vét luồng, tận thu cát trên khoảng 10km. 

Thế lực nào đứng sau việc núp bóng nạo vét luồng lạch, hút cát lấy tiền? - Ảnh 3.

Nhiều dòng sông tại nước ta đang "kêu cứu" trước tình trạng hút cát tràn lan

Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Trần Văn Thọ cho biết, không cấp phép cho bất cứ đơn vị nào. Do đó, mọi hoạt động khai thác cát vào ban đêm trên các sông của Hà Nội đều là khai thác trái phép.

Trước những bức xúc của địa phương và dư luận, tuần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT dừng toàn bộ việc cấp phép liên quan đến nạo vét sông, và chuyển nhiệm vụ này về cho các địa phương. 

Còn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước