Theo đó, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2018. Chiều 22/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức gặp gỡ báo chí để cung cấp thêm thông tin về đề án quan trọng này.
Bộ GD&ĐT cho biết, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông lần này, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó là đến chương trình môn học. Tiếp đó mới xây dựng đến bộ đề cương sách giáo khoa và sách giáo khoa của từng môn. Lần này, sẽ có một tổng chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học. Quy trình này khoa học và bài bản hơn lần làm chương trình, sách giáo khoa trước.
Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình mới sẽ bao gồm 2 giai đoạn giáo dục: Giai đoạn 1 gồm bậc tiểu học và THCS. Đây là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp hình thành năng lực tự học và trang bị những kiến thức cần thiết nhất để sau khi hoàn thành lớp 9, người học đủ khả năng học nghề hay làm việc kiếm sống. Các môn sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp và bậc tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, gồm 3 năm THPT. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc, còn lại là môn tự chọn, để chuẩn bị cho việc thi vào Đại học, Cao đẳng. Vấn đề đặt ra là với một đề án đầy tham vọng như vậy, thì những điều kiện cần thiết để thực hiện như đội ngũ giáo viên có khả năng dạy tích hợp, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng được hay không?
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn xong chương trình, từ đó hoàn tất xong sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10; đảm bảo để đến năm 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu đồng loạt 3 cấp. Đến năm 2023, việc thay sách sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến lớp 12.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.