‘ Nhân viên bảo tàng văn hóa Mường đang kể lại sự việc
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 19h ngày 24/10. Theo bản tường trình của các nhân viên làm việc tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (phường Thái Bình, TP Hòa Bình), khi đó, tại khu vực nhà Lang có bốn người, hai nam, hai nữ đặt chỗ từ chiều cùng ngày.
Ngày hôm đó, tại Bảo tàng chỉ có hai đoàn khách: một nhóm khách du lịch đến tham quan Bảo tàng rồi rời đi từ trước; nhóm bốn người này đến sau, khoảng hơn 18h.
Bốn khách nay yêu cầu nhân viên mang đồ ăn lên Nhà Lang. Nhân viên của Bảo tàng đã đáp ứng yêu cầu này, đưa đồ ăn theo đơn đặt từ trước của khách lên phục vụ.
Chị Bùi Thị Diễn, SN 1993 (xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, Hòa Bình), nhân viên làm việc tại Bảo tàng cho hay: khoảng 18h55, Diễn nghe thấy giọng một phụ nữ (một trong bốn vị khách trên) kêu: “Cháy, cháy”. Nghe tiếng kêu này, các nhân viên của Bảo tàng chạy ra đã nhìn thấy ngọn lửa lớn bắt lên từ khu vực Nhà Lang.
“Bốn người khách này chạy ra khỏi Nhà Lang và đánh xe bỏ chạy. Em cùng các chị Phú, anh Thọ, em Yến (đều là nhân viên của Bảo tàng) chạy ra ngăn hai chiếc xe này lại, nhưng họ còn cố tình rồ ga đâm thẳng vào các nhân viên đang chặn đầu xe để bỏ trốn…", chị Diễn thuật lại.
Một chị phụ nữ hạ cửa kính xe và dúi về phía em: “Tiền đây, tiền đây…”. Trong lúc rất hoảng loạn, Diễn vẫn kịp nhớ biển số xe này là 28H hoặc 28A – 000.23.
Trong khi các nhân viên cố gắng giữ các vị khách này không cho rời khỏi Bảo tàng, một số nhân viên khác chỉ kịp đi ngắt cầu giao điện, dỡ bỏ tấm liếp mái gianh nối từ nhà Lang sang khu nhà ăn liền kề.
Một số nhân viên khác vội vàng gọi điện báo cho lực lượng 113 Hòa Bình là lực lượng chữa cháy. Đến 21h, đám cháy mới được dập, tuy nhiên, toàn bộ hiện vật trong khu Nhà Lang đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Ngôi nhà sàn rộng 150m2 gồm 8 cột cái, 24 cột con cũng chung số phận.
Ngôi Nhà Lang cổ này được ông Vũ Đức Hiếu, GĐ Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đi sưu tầm và mua lại từ gia đình cụ Hà Thị Lợi – bà Cả Nàng (vợ quan Lang đất Mường Chậm cuối cùng) vẫn còn sống, ở tuổi 110 tuổi. Đây cũng là ngôi nhà quan Lang duy nhất còn lại trên đất Mường cổ.
Cùng với ngôi nhà cổ, 186 hiện vật quý chủ yếu là các vật dụng gắn với đời sống người Mường cổ như nễnh, gié, chiêng té, chiêng khâm, súng kíp, mâm đồng, siêu đồng, đồ gốm, bẫy thú, nại… cũng bị ngọn lửa thiêu rụi. Các hiện vật này được làm bằng đồng và đồ tre, gỗ.
‘ Ngôi nhà cổ đã bị thiêu rụi
Nhận diện kẻ gây vụ hỏa hoạn Nhà Lang
Trong quần thể Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, khu Nhà Lang được đánh giá là khu vực có nhiều hiện vật quan trọng và quý hiếm nhất. “Không nói đến giá trị kinh tế, giá trị văn hóa của những hiện vật, trong đó, ngôi Nhà Lang cũng là một hiện vật, là vô giá. Không thể tìm được một ngôi nhà Lang nguyên bản nào để thay thế nó được” – ông Hiếu chia sẻ.
Do đặc thù của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, các hiện vật là đồ tre, gỗ… nên quy tắc của Bảo tàng là nghiêm cấm khách tham quan, du lịch… được sử dụng lửa trong khu vực bảo tàng. Đối với những khách muốn nhóm bếp lửa trong nhà sàn (người Mường đặt bếp củi bên trong nhà – p.v) phải được sự đồng ý của BQL, việc nhóm lửa sẽ được nhân viên Bảo tàng thực hiện.
“Bốn vị khách này đã tự ý nhóm bếp lửa trong Nhà Lang để nướng ngô. Ngọn lửa bùng lên bắt vào các vật liệu dễ cháy, nhưng họ đã không hô hoán nhân viên của Bảo tàng dập lửa mà lại tìm cách tháo chạy và còn cố tình đâm thẳng xe vào các nhân viên cố gắng giữ họ lại” – ông Hiếu thông tin.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy của nhân viên Bảo tàng, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát để xác định nhân thân của bốn vị khách đã tháo chạy.
Theo ông Trần Đức Long, Đội phó Đội CSCĐ 113 Công an T.P Hòa Bình, ngày 25/10, lực lượng 113 đã nhận diện được một phụ nữ có tên Lê Thị Luân, BKS xe 28A – 000.23 và đã bàn giao cho Đội CSĐT Trật tự Xã hội (Công an T.P Hòa Bình) điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Rất may, tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, các khu vực trưng bày hiện vật được bố trí trong một không gian rộng, cách xa nhau. Chính vì thế, vụ hỏa hoạn chỉ làm cháy khu vực Nhà Lang và không ảnh hưởng đến khu vực nào khác.