Sau vụ cháy, nhà Lang 100 tuổi vẫn có thể phục dựng lại

Mai Chi-Thứ hai, ngày 28/10/2013 10:01 GMT+7

Sau vụ cháy tối 24/10, mặc dù chưa hết bàng hoàng nhưng họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cho biết ngôi nhà vẫn có cơ phục dựng lại.

Ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi là công trình kiến trúc nguyên bản của gia đình quan Lang - tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường với gần 200 hiện vật của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã bị thiêu rụi tối 24/10. Tuy nhiên, theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, ngôi nhà vẫn có cơ phục dựng lại.

‘ Ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi với gần 200 hiện vật được sưu tầm trong suốt 15 năm của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường khi chưa bị cháy

‘ Thủ bút của nguyên Chủ tịch Quốc hội - đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cũng vô cùng cảm kích trước tinh thần xả thân cứu di sản của đội ngũ nhân viên Bảo tàng. Anh cho biết: “Chúng tôi cũng xin cảm ơn các nhân viên người Mường trung chính của Bảo tàng, mà chính nhờ những người như họ, văn hóa sống động của dân tộc Mường trong Bảo tàng được duy trì đến bây giờ: Chị Đinh Thị Phú, anh Bùi Văn Thọ, anh Bùi Văn Cường, chị Bùi Thị Diền, chị Bùi Thị Hải Yến…

Họ là những người đầu tiên phát hiện đám cháy và tức tốc vận dụng triệt để những phương tiện phòng cháy chữa cháy tuân thủ đúng quy định đã được trang bị cho từng ngôi nhà trong không gian bảo tàng; người thì không quản hiểm nguy để lao vào dập lửa, rút mái chống cháy lan như anh Thọ, anh Cường. Người thì không ngại đối đầu với những kẻ thủ phạm hoảng loạn dùng ô tô húc bừa để bỏ chạy như chị Phú. Người thì nhanh chóng bình tĩnh thông báo kịp thời với các lực lượng chức năng 113, 114 như chị Diền, chị Yến…”.

‘ Chị Đinh Thị Phú

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình như lực lượng cứu hỏa 114, với tinh thần trách nhiệm cao, mặc dù đường sá khó khăn, nhưng sự có mặt cấp tốc, kịp thời của họ đã khiến đám cháy được khu biệt hạn chế và được dập tắt nhanh chóng, không gây tổn hại gì đến các khu nhà khác. Lực lượng cảnh sát điều tra đã và đang có những nỗ lực tìm ra những kẻ thủ phạm gây ra vụ cháy rồi vô lương tâm tháo chạy.

Tổn hại của vụ hỏa hoạn đối với riêng Bảo tàng và với di sản văn hóa các dân tộc anh em nói chung trên đất nước Việt Nam, là chưa thể nào đo đếm ngay được. Tuy nhiên, theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu thì không có mất mát nào lớn lao quá đến nỗi không thể bù đắp được. Do đám cháy được khu biệt và dập tắt nhanh chóng nên tất cả những kiến trúc quan trọng khác của Bảo tàng vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà Lang cùng các hiện vật bên trong đại diện cho văn hóa của một tầng lớp cao cấp nhất trong xã hội Mường cổ xưa tuy đã bị cháy nhưng đó cũng chỉ là một phân khúc quan trọng trong rất nhiều phân khúc quan trọng khác trải dài trên năm hec-ta Bảo tàng.

Những kiến trúc không kém phần quan trọng khác như “Nhà Ậu” (đại diện cho tầng lớp trung lưu trong xã hội Mường cổ); “Nhà Noóc”, “Nhà Noóc trọi” (đại diện cho tầng lớp bình dân và cùng đinh nghèo khổ của xã hội Mường xưa). Rồi khu nhà trưng bày hiện vật của các nghề trong xã hội Mường (dệt vải, đánh cá, đi săn, làm nông nghiệp…); khu nhà sàn sáng tác cho các nghệ sĩ tạo hình đương đại; chùa Phượng; đền thờ thánh mẫu thượng ngàn của người Mường, vườn cây thuốc Mường, khu vườn đặt để các tác phẩm mỹ thuật trong nước và quốc tế… vẫn còn y nguyên và vẫn sẽ đón nhận khách đến thăm ngay hôm sau vụ hỏa tai.

‘ Rường cột vẫn còn nguyên vẹn

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu, điều đáng mừng hơn nữa, “và khi tro bụi” rơi hết, với những quan sát của những nghệ nhân cao tuổi rành nghề mộc và kiến trúc, ngôi nhà Lang chỉ bị cháy phần mái trên và đầu cột, còn phần cấu trúc gỗ ở đế sàn vẫn còn nguyên vẹn, đó là phần rường cột căn bản của công trình này chỉ bị xém phần ngoài vỏ, vẫn còn cơ phục dựng lại được.

Đúng với tinh thần của người xưa đã nói: “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã một lần nữa tin tưởng rằng: “một di sản cũng có thân phận và đời sống như một con người, có sinh và có diệt. Nhưng có sinh không có nghĩa là không có diệt và diệt cũng chỉ là khởi đầu của sự nảy mầm sinh. Một di sản mất đi, do không may hoặc cố ý, không có nghĩa là nó sẽ mất đi như một cú xóa ký ức. Nó sẽ còn lại mãi mãi trong ký ức và tâm thức của chúng tôi, chúng ta; để rồi đến lúc nào đó tái sinh trong một hình thức tươi trẻ hơn, mãnh liệt hơn… Văn hóa di sản, là phần nhân văn luôn sẵn có trong mỗi con người, bất chấp sự đổi thay dâu bể!”.

Hi vọng rằng, niềm tin, quyết tâm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường sẽ nhận được sự chung tay góp sức cơ quan chức năng và cộng đồng để ngôi nhà lang duy nhất của người Mường sớm được phục dựng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước