Ngày 5/9/2019 sẽ diễn ra Lễ khánh thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt sông Đuống, AquaOne chính thức phát nước giai đoạn 1B và người dân Hà Nội sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu được đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cho tới công nghệ sản xuất và quản lý.
Theo đó, hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất nước sạch với công suất 150.000 m3 của Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ chính thức được vận hành từ ngày mai, bổ sung thêm nguồn nước sạch từ nước mặt cho Thành phố Hà Nội. Phân kỳ 1B khi đưa vào vận hành chính thức sẽ nâng tổng công suất cấp nước sạch lên gấp đôi, đạt 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1A phát nước từ tháng 10/2018 đã đạt công suất 150 nghìn m3/ngày đêm).
Toàn cảnh nhà máy nước mặt "khủng" nhất miền Bắc - Ảnh: Zing
Được xem là "trái tim" của dự án nước sạch an sinh xã hội đầy tâm huyết của Madam Đỗ Thị Kim Liên (Chủ tịch Hội đồng quản trị AquaOne), công nghệ tối tân đến từ châu Âu chính là yếu tố quyết định của dự án nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung và chất lượng nước đầu ra của Nhà máy nước mặt sông Đuống và chiếm tới 60% tổng mức đầu tư của cả công trình. Ví dụ như, công nghệ van bơm của nhà máy có thể tự động điều chỉnh lượng nước vào hệ thống lọc để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.
Công nghệ châu Âu là "trái tim" của dự án nước sạch với mục tiêu dân sinh này - Ảnh: Zing
Không chỉ giúp nâng cao chất lượng nước và ổn định nguồn cung, theo ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, công nghệ hiện đại của nhà máy còn được ứng dụng trong việc kết nối toàn bộ các thiết bị của nhà máy qua hệ thống truyền dẫn tín hiệu về phòng điều khiển, giúp nâng cao tỷ lệ tự động hóa của nhà máy và cũng là nâng cao độ tin cậy trong hoạt động vận hành.
Bên cạnh đó, việc tự động hóa nhà máy cũng giúp giảm thiểu số lượng nhân sự cần thiết – mỗi một ca vận hành của nhà máy chỉ cần có 2 nhân viên ở trong phòng điều khiển – đồng nghĩa với việc có thể giảm chi phí nhân sự cũng như chi phí quản lý, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất nước.
Mỗi ca vận hành chỉ cần 2 nhân viên kỹ thuật nhờ hệ thống kết nối thiết bị tân tiến của nhà máy - Ảnh: Zing
Cũng nhờ đầu tư công nghệ mới, giai đoạn 1B của nhà máy dù có quy mô tương đương nhưng sản lượng nước sạch sản xuất ra cao hơn 30% so với giai đoạn trước. Ông Herbert Hofstaetter, Tư vấn công nghệ dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết: "Với công nghệ của giai đoạn 1B, diện tích lọc sẽ tăng lên 25% so với giai đoạn 1A. Hơn nữa, nếu như ở giai đoạn trước cứ 24h hoạt động sẽ phải rửa lọc một lần thì ở giai đoạn này có thể kéo dài thời gian lọc gấp đôi, như vậy sẽ giảm được chi phí điện năng, nhân công và tăng độ bền cho thiết bị".
Chia sẻ về công nghệ của Nhà máy, ông Uwe Dechert, Giám đốc kỹ thuật Nhà máy nước mặt sông Đuống hào hứng và hãnh diện: "Nhà máy hiện đang sử dụng công nghệ tương tự như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới để sản xuất ra nước sạch đạt tiêu chuẩn châu Âu. Tùy từng thời điểm thiết bị công nghệ sẽ thay đổi, vì thế dự án sau luôn được cập nhật và nâng cấp công nghệ hơn dự án trước".
Sau khi xử lý ở bước cuối cùng, có thể đưa nước lên vòi uống trực tiếp - Ảnh: Zing
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn nước sạch cho dân sinh, với trăn trở đem lại chất "sạch" toàn diện cho cuộc sống, đại diện nhà máy cho biết thêm, hiện Nhà máy nước mặt sông Đuống đang cùng các đơn vị đối tác xúc tiến việc ứng dụng công nghệ mới nhằm tận dụng lượng bùn thải sau lọc để tạo ra nguồn vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!