Với thời gian thử nghiệm trong 3 năm, chương trình tiểu học mới đang được triển khai ở trên cả nước, áp dụng cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Đã có một số thay đổi được ghi nhận sau một năm thử nghiệm, tuy nhiên để mô hình này mang lại sự đổi mới toàn diện trong giáo dục tiểu học thì vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực.
Trong lớp học của điểm trường thuộc huyện Đăk Hà, Kom Tum, không chỉ có bảng đen, phấn trắng mà còn có Góc địa phương và Thư viện nhỏ để các em học sinh có thể tìm hiểu thêm kiến thức ngoài giờ học. Cô giáo không đọc bài cho các em chép như trước, mà thay vào đó các em được chia thành từng nhóm nhỏ và thảo luận, tự cùng nhau tìm hiểu về bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
‘ Học theo nhóm sẽ kích thích sự sáng tạo và tự tin của trẻ. Ảnh: sggp
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Giáo viên điểm trường Kon Trang, Long Lợi, trường Lê Văn Tám huyện Đăk Hà, Kom Tum nhận xét: “Ưu điểm lớn nhất mà phương pháp dạy học mới này mang lại cho các em đó là tính sáng tạo và sự tự tin khi trình bày một vấn đề, học sinh trở thành trung tâm của lớp học thay vì chỉ thụ động như trước kia”.
Tuy vậy sau một năm thử nghiệm, cô và trò vẫn còn bỡ ngỡ với những thay đổi trong cách dạy, cách học. Cô giáo nhiều nơi vẫn giảng nhiều như cách làm truyền thống, còn với học sinh ở các vùng khó nói tiếng phổ thông cũng là vấn đề.
Mặc dù phương pháp dạy học mới có nhiều ưu điểm, nhưng để triển khai đại trà vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến việc số lượng học sinh trung bình trong một lớp học hiện nay quá đông và trình độ học sinh không đồng đều. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất giữa các vùng miền khác nhau cũng là rào cản cho việc áp dụng phổ biến phương pháp mới.
Với cách dạy và học mới này, giáo dục tiểu học đang có một thay đổi mang tính đột phá và được sự công nhận của các trường, sự đồng tình của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, thời gian một năm cũng chưa phải là nhiều và phương pháp này vẫn cần tiếp tục thử nghiệm để khẳng định tính đúng đắn của nó.