Toàn cảnh buổi làm việc.
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc chiều nay (19/2) với lãnh đạo các bộ ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Từ cuối năm 2018, giá lúa tươi IR50404 đã có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2 này chỉ còn từ 4.200 - 4.400 đồng/kg. Thóc hạt dài OM 504 giảm còn 4.500 đồng/kg. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu tháng 1 vừa qua cũng giảm. Nguyên nhân được xác định là do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Ngoài ra, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp chưa chủ động mua thêm, trong khi đó thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philppines thay đổi phương thức đấu thầu, thị trường Trung Quốc lại chưa nhập khẩu. Với giá thu mua lúa hiện nay, nông dân vẫn có lãi, nhưng thấp hơn những năm gần đây.
Với tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, "được mùa nhưng không rớt giá", "đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thực hiện ngay một số biện pháp ngay từ đầu tuần tới.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp thu mua gạo để hỗ trợ các hộ dân ngay trong mùa Xuân này; Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua lúa trong thời kỳ đang rộ mùa. Biện pháp hỗ trợ này là đúng với định hướng tín dụng của Chính phủ, đó là ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ tìm thị trường xuất gạo lâu dài như ở khu vực ASEAN, cũng như các nước khác đang có nhu cầu, nhất là khi Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại mới. Thủ tướng khẳng định, các biện pháp đưa ra hôm nay là biện pháp thị trường bình thường, chứ không phải phi thị trường. Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao để người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép.
Về các giải pháp lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, gạo tốt, gạo dẻo, chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo mang thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ biến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!