Quốc kỳ Việt Nam (giữa) tại ASIAD 16. (Ảnh: TTXVN)
Đây là nội dung công văn 157/TB-VPCP ngày 17/4, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18).
Theo nội dung công văn, ngày 17/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận:
1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển thể dục thể thao và kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành vận động và được chấp nhận đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức ASIAD 18 nói riêng.
2. Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận.
Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD).
3. Việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại.
Thực tế qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy hầu hết là nguồn thu không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo.
Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.