Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững được Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức đã diễn ra sáng 23/4.
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế với nội hàm chính là chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế như gần 20 trước đó, sang hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung trên 3 trụ cột là chính trị, an ninh, quốc phòng; trụ cột kinh tế trụ cột văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục cùng với các lĩnh vực khác. Đánh giá chung là kết quả hội nhập quốc tế trong 5 năm qua đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đi cùng với giữ vững môi trường chính trị xã hội ổn định, quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam.
5 năm qua hội nhập của Việt Nam đã đi vào giai đoạn cao hơn, thực chất hơn với vai trò thúc đẩy đối thoại, hòa giải và tìm những hướng đi mới. Hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, Việt Nam đã chấp nhận tự do hóa và hội nhập thương mại như một số ít các quốc gia khác. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế này đã đạt tốc độ và quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã nổi lên như một cường quốc xuất khẩu với kim ngạch thương mại trên GDP đạt gần 200% so với 70% cách đây 12 năm. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới đánh giá, các ngành công nghiệp xuất khẩu đang đóng góp khoảng 18% GDP và tạo 30% việc làm trong khu vực doanh nghiệp. Đến nay cũng đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kết quả hội nhập quốc tế trong 5 năm qua đã chứng minh chủ trương của Đảng là đúng đắn và Việt Nam có thêm tự tin để tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn. Trong đó, một số ngành công nghiệp đã hội nhập thành công thông qua việc tham gia được vào các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như da giày và thủy sản. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng làm cho nội lực quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho hội nhập quốc tế thành công hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, thua thiệt trong hội nhập để rút kinh nghiệm sâu sắc nhằm khắc phục và làm tốt hơn. Theo đó, trong hội nhập các Bộ, ngành và địa phương phải linh hoạt, nhạy bén để theo kịp xu thế quốc tế lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở cho hội nhập đi cùng với khai thác tối đa vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam cũng như phải phối hợp tốt hơn để giảm bớt các vụ kiện tranh chấp quốc tế. Về định hướng giải pháp, nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện theo 3 phương châm là: Nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Trong đó, hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực mạnh lên là nhiệm vụ trọng tâm còn hội nhập các lĩnh vực khác phải hỗ trợ cho hội nhập kinh tế nhằm đưa đất nước tránh được bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm và "xắn tay áo vào cuộc", thực sự hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp trong hội nhập. Còn người dân và doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Còn các tờ báo của Trung ương và địa phương, cả báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử dành thời lượng cần thiết để giới thiệu cho người dân và doanh nghiệp về hội nhập quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!