Thủ tướng: Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh cho ĐBSCL

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 16/07/2019 21:10 GMT+7

Quang cảnh buổi làm việc.

VTV.vn - Ngày 16/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Trong những năm tới, ngân sách Nhà nước cần bổ sung tối thiếu 45.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án, chương trình quan trọng ở ĐBSCL. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc kéo dài hơn 6 tiếng liên tục giữa Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM tại thành phố Cần Thơ ngày 16/7.

Đưa ra dẫn chứng về sự phát triển của đất nước và của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL - nơi có hơn 20 triệu người đang sinh sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo báo cáo mới nhất của LHQ, Việt Nam năm nay đứng thứ 54/162 quốc gia về phát triển bền vững. Một chỉ số đánh giá kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Như vậy, Việt Nam đã tăng 34 bậc về chỉ số phát triển bền vững so với năm 2016 và 3 bậc so với năm 2018.

Thủ tướng nhấn mạnh sự tăng bậc này rất quan trọng. Việt Nam hiện đứng thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan và đứng trên Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Chỉ số xếp hạng của Việt Nam cao là nhờ thành tích về xóa đói giảm nghèo đạt 95 điểm, giáo dục 91 điểm, tiếp cận năng lượng 82 điểm, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững 87 điểm, ứng phó với biến đổi khí hậu 94 điểm. Tuy nhiên, Việt Nam có điểm thấp ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng 26 điểm, phát triển bền vững đại dương 45 điểm và quản lý hệ sinh thái tài nguyên rừng 48 điểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chỉ số phát triển bền vững này đã cho thấy thành quả của Việt Nam cũng như của các tỉnh ĐBSCL thời gian qua được khẳng định. Tuy nhiên, thách thức đối với vùng này vẫn còn rất lớn.

Một điểm chung là các tỉnh, thành ĐBSCL đều kiến nghị Trung ương trong Phương hướng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5-10 năm tới, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ trong vùng. Các tỉnh cũng kiến nghị Trung ương có chính sách ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, vì công suất tiềm năng của cả vùng này là 90.000 MW, gấp đôi công suất hiện có của cả nước. Muốn thế trong những năm tới cần phải đầu tư mạnh vào hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất. Các tỉnh cũng đề nghị có cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng riêng cho tiểu vùng bán đảo Cà Mau, đồng thời có chương trình đưa nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau.

Lãnh đạo các tỉnh và một số thành viên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cũng đề nghị trong Chiến lược và Phương hướng phát triển của cả nước cần chú trọng tới liên kết tiểu vùng và liên kết vùng cũng như có cơ chế chủ trì, giám sát việc liên kết, phát triển vùng theo quy hoạch đi cùng với xây dựng Đề án liên kết cụ thể từ xây dựng chuỗi sản xuất đến phát triển du lịch, thương mại và giáo dục. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 cần khẳng định cả nước tập trung đầu tư cho đường giao thông và một cảng nước sâu ở ĐBSCL để 15 năm tới vùng này cơ bản hoàn thiện được hệ thống giao thông.

Tỉnh Đồng Tháp cho rằng mô hình hội quán của Đồng Tháp đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và liên kết với doanh nghiệp của nông dân. Cách làm của Đồng Tháp đã làm cho người nông dân không quá bi lụy với khó khăn của nông nghiệp và nông thôn, mà có thể làm giàu từ kinh tế nông nghiệp xanh, có trách nhiệm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp nhưng không tách khỏi công nghiệp và dịch vụ và phát triển đồng đều, tương đồng và hài hòa. Vì thế, cần phát triển cụm liên kết ngành hàng giữa 4 tiểu vùng để chủ động gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị. Đây là tiền đề để liên kết vùng như mục tiêu của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải nhận thức rõ, ĐBSCLvà TP.HCM có mối quan hệ hữu cơ. Đồng bằng này là nơi cung cấp nông sản, nhân lực, vật lực và thị trường, cho nên thành phố phải là bệ đỡ cho sự phát triển của vùng này. Vì thế, trong những năm tới TP.HCM và vùng đồng bằng này phải kết nối toàn diện và rõ nét hơn. Không chỉ kết nối đường bộ, mà còn phải là đường sắt, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và thị trường.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các địa phương phải hoàn thành xây dựng quy hoạch tích hợp cho cả vùng vào năm sau trình Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch này phải gắn kết được TP.HCM với Cần Thơ là trung tâm của vùng bằng các giải pháp cùng có lợi.

Chính phủ cũng sẽ xây dựng cơ chế đủ thẩm quyền để điều phối kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng. Bên cạnh khoản đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng từ vốn Nhà nước và ODA, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực khác nhằm xây dựng hệ thống giao thông liên vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu, giống như Quảng Ninh hay Long An. Vì hiện tại đã có doanh nghiệp ngỏ ý muốn đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh phát triển theo hướng thuận thiên, theo Nghị quyết 120, biến nguy thành cơ, không phải phó mặc cho trời đất mà phải giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ người dân và tạo nguồn nước ngọt mới.

Về những động lực phát triển mới cho vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương tập trung phát triển triển các chuỗi đô thị để vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vừa chuyển dịch lao động. Đi cùng với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng dân tộc, khát vọng của vùng trong phát triển với ý chí người đồng bằng vươn lên, không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước. Cùng với nhấn mạnh tới một giải pháp rất quan trọng nữa là đẩy mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua đã phối hợp hiệu quả với các địa phương, trong đó có 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và tặng quà nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thứ Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Phước Thọ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước