Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban kinh tế-xã hội (Ảnh: TTXVN)
Cuộc họp này diễn ra hơn 1 tháng sau phiên họp đầu tiên của Tiểu ban kinh tế - xã hội chuẩn bị văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tiểu ban này là xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với kế hoạch xây dựng dự thảo văn kiện của Tiểu ban kinh tế - xã hội từ 1/2019 đến đầu năm 2021. Trong đó, đề cương chi tiết và nội dung cốt lõi sẽ được trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 vào tháng 5/2019 để cho ý kiến. Sau khi tiếp thu hoàn chỉnh, dự thảo sẽ được trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 vào tháng 10/2019, sau đó gửi đảng bộ các cấp cho ý kiến.
Thủ tướng nhấn mạnh tới yêu cầu, chiến lược 10 năm cũng như kế hoạch phát triển 5 năm tới phải thể hiện được ý chí tiến công cách mạng của dân tộc, quyết tâm đưa đất nước có bước tiến trong phát triển cao hơn nữa. Đây là cơ sở để đảng bộ các địa phương thảo luận phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, nhằm phát huy được nguồn lực của các địa phương cũng như của đất nước mạnh mẽ hơn nữa để nhanh chóng nâng cao đời sống của nhân dân.
Để thực hiện được đúng kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, làm nòng cốt cùng với Tổ biên tập và Văn phòng Chính phủ đặt hàng và giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành cũng như các viện và trường đại học nghiên cứu đề xuất từng vấn đề. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu những hình thái kinh tế, động lực tăng trưởng mới và các đột phá chiến lược mới theo tư duy chiến lược tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.
Thủ tướng yêu cầu phải tìm ra được đâu là đột phá mới cho nền kinh tế Việt Nam bên cạnh 3 đột phá hiện nay. Vì nếu như 3 năm trước, Việt Nam còn e ngại kinh tế số thì giờ đây, đã trở thành xu hướng của thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch 5 năm cần đưa ra một tầm nhìn mới về phát triển nông thôn xa hơn. Trong đó, các địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần hướng tới việc trở thành các đô thị, bởi đô thị sẽ là động lực phát triển mới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tiểu ban kinh tế - xã hội phải phân tích sâu sắc hơn những đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện hay để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn. Vì hiện nay, trong số 42% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng dư thừa còn lớn, dẫn tới người lao động ở khu vực này phải kiếm việc làm ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, ngoài giải pháp để nâng cao năng suất lao động cho khu vực này còn phải tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở trong nước. Vì đây là một vấn đề lớn của dân tộc, đất nước và con người.
Trong quá trình xây dựng Chiến lược và Kế hoạch 10 năm và 5 năm tới, Thủ tướng cũng đề nghị Tiểu ban kinh tế - xã hội phải coi trọng vấn đề nhu cầu thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc với công nghệ cao, thân thiện với môi trường và liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, các vấn đề về tài nguyên - môi trường, biến đổi khí hậu, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực cũng phải được đề cập. Vì nếu phát triển kinh tế - xã hội mà không đi cùng với phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì không thể thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!