Thủ tướng đề nghị “trách nhiệm kép” để giải quyết các vấn đề toàn cầu

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 28/09/2018 19:39 GMT+7

VTV.vn - Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị “trách nhiệm kép” để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Rạng sáng 28/9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp Cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong bài phát biểu này, Thủ tướng đã gửi tới cộng đồng quốc tế thông điệp của Việt Nam đề cao vai trò không thể thay thế của LHQ trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu. 

Mở đầu bài phát biểu, thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Đại hội đồng LHQ đã có phút mặc niệm về việc Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang vừa qua đời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kể từ khi LHQ ra đời năm 1945 đến nay, trên hành tinh đã không xảy ra chiến tranh thế giới và trên thực tế nền tảng hòa bình ngày càng được củng cố nhờ nỗ lực của LHQ. Trong hơn 70 năm, LHQ cũng đã phát huy vai trò to lớn của mình trong thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế theo Hiến chương LHQ, cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngày nay, LHQ đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Cũng trong 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quốc tế đa phương và tích cực đóng góp thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của LHQ về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hành tinh của chúng ta đang chuyển động nhanh chóng với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Điều đó mở ra nhiều cơ hội mới để đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tình hình bán đảo Triều Tiên đã có tiến triển. Còn ở Trung Đông, châu Phi và nhiều điểm nóng khác trên thế giới, xung đột và nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu, chủ nghĩa khủng bố và vấn đề di cư vẫn đang là sự nhức nhối của nhiều quốc gia.

Thủ tướng nêu vấn đề: "Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Tôi đề nghị vấn đề "trách nhiệm kép", mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu. Trong bối cảnh đó, tôi chia sẻ với đánh giá của Ngài Tổng Thư ký là vai trò của Liên Hợp Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý có hiệu quả các thách thức toàn cầu. Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu "Vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là một mong mỏi, một khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình và thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình. 

Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, "quyền dân tộc tự quyết", "quyền mưu cầu hạnh phúc" và các giá trị dân chủ của Hiển chương LHQ. Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước