Radio Asia 2013 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) tổ chức với chủ đề "Phát thanh và Truyền thông xã hội: Xu hướng phát triển trong tương lai". Đây cũng là sự kiện phát thanh quốc tế duy nhất trong khu vực, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị có các phiên họp chính tập trung thảo luận về các vấn đề: Phát thanh trên con đường phát triển - hội nhập kỷ nguyên mới; nghệ thuật kể chuyện và hình ảnh trên sóng phát thanh; vai trò của phát thanh trong việc kết nối qua công nghệ thông tin và truyền thông; phát thanh cộng đồng và thay đổi xã hội - tiếng nói cho nhóm thiểu số; truyền thông chính thống và những nhà báo - công dân; những câu chuyện thành công của chương trình tọa đàm phát thanh...
Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng từ khi ra đời cho tới nay, phát thanh luôn là một trong những phương tiện truyền thông phổ cập, đạt hiệu quả cao trong truyền tải thông tin và đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhân loại, cả ở phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ số và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã mang lại cho công chúng cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn, đa dạng hơn và đang làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh truyền thông trên phạm vi toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia. Đây thực sự là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của tất cả các loại hình báo chí, các đài phát thanh, truyền hình, đồng thời cũng là thách thức trực tiếp, ngày càng lớn, đòi hỏi chúng ta phải luôn năng động, sáng tạo và hợp tác hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của toàn xã hội.
‘ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị Phát thanh Châu Á, chiều 29/7.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Phát thanh Việt Nam theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, thực hiện lộ trình ứng dụng kỹ thuật số đến 2020, chuyên nghiệp hóa về sản xuất và đa dạng hóa về thể loại chương trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân và của bè bạn quốc tế.
Đến nay ngành Phát thanh Việt Nam đã phủ sóng mặt đất đạt trên 99% khu vực dân cư và đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo và luôn là phương tiện truyền thông tin cậy trong mọi tình huống khó khăn, phức tạp, đặc biệt là thiên tai, bão lũ.
Ở Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam là một hệ thống truyền thông có tính phổ cập, gần gũi với mọi người dân, có độ tin cậy và luôn bảo đảm tính liên tục truyền thông cao. Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng bước trưởng thành và phát triển vững chắc, phục vụ đắc lực, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị cũng là diễn đàn bổ ích để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhất là các đài phát thanh cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xác định hướng phát triển phát thanh và truyền thông trong tương lai nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công chúng, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, thay đổi sâu sắc, đặc biệt là có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự bùng nổ của truyền thông xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 tổ chức tại Hà Nội lần này là cơ hội quý báu để Việt Nam cùng chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm, xác định rõ hơn các bước đi phù hợp trong tương lai nhằm phát triển ngành Phát thanh ngày càng chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trước thềm Hội nghị, vào sáng 29/7, hai hội thảo về phát thanh cũng đã được tổ chức với chủ đề "Truyền thông xã hội, truyền thông trên các thiết bị di động và xây dựng kế hoạch chương trình phát thanh: Những kỹ thuật mới cho truyền thông mang tính “di sản” và "Vai trò của phát thanh trong cảnh báo khẩn cấp".