Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV
Chiều 3/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tập đoàn này phải có ngay các giải pháp, không được phép để thiếu điện trong trung và dài hạn.
Đây là lần đầu tiên trong 21 năm, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp đang làm ra gần một nửa sản lượng điện của cả nước và đóng vai trò chủ chốt trong việc truyền tải điện trong cả nước, nhất là bảo đảm cung cấp 1/4 nhu cầu điện của miền Nam qua hệ thống truyền tải Bắc - Nam. 2016 là năm thứ 3 liên tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp phần quan trọng vào việc không để đất nước bị thiếu điện và có nguồn dự phòng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn trong việc bảo đảm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân trong mấy năm gần đây, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những thách thức mà Tập đoàn sẽ phải giải quyết trong thời gian tới đó là phải bảo đảm đủ điện để nền kinh tế tăng trưởng cao, nhất là khi Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và tự sản xuất thêm nhiều thép cũng như một số mặt hàng quan trọng khác để giảm nhập khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu thiếu điện thì hậu quả sẽ khôn lường, do vậy, Thủ tướng đã khẳng định lại quyết tâm không để Việt Nam thiếu điện trong trung và dài hạn. Trước mắt, để giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thêm nguồn lực xây dựng thêm các nhà máy điện mới, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc Chính phủ sẽ tiếp tục bảo lãnh cho Tập đoàn vay vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, Tập đoàn phải tìm nguồn lực và cơ chế để triển khai các dự án nhiệt điện mới vì nguồn thủy điện cơ bản đã hết. Trong đó, phải thực hiện nhanh hơn việc cổ phần hóa các nhà máy điện đã được Chính phủ phê duyệt để lấy thêm nguồn lực cho đầu tư. Nhà nước chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện đa chức năng và hệ thống truyền tải điện. Một yêu cầu khác đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng nhấn mạnh đó là phải nỗ lực giảm bớt thời gian tiếp cận điện năng của các doanh nghiệp nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam. Vì dù năm ngoái thời gian tiếp cận nguồn điện đã giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn phải thực hiện quản lý tốt và chống tham nhũng ở các công trình dự án điện, đi cùng với xây dựng quy chế tuyển chọn minh bạch, không vì lợi ích cục bộ mà chỉ chọn con em trong nhành. Bởi lúc này Tập đoàn đang cần các nhà quản trị và cán bộ khoa học công nghệ giỏi. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn phải sắp xếp và sử dụng những nhân lực không còn tham gia dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đi cùng với sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của dự án này.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải sớm đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoạt động có hiệu quả, đồng thời chuẩn bị triển khai có lộ trình việc hình thành thị trường bán lẻ điện. Thêm vào đó, Tập đoàn phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật để sớm đạt trình độ của thế giới nhằm giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Trong phát triển các nhà máy điện phải rút kinh nghiệm các sự cố ở Bình Thuận để bảo vệ môi trường cho người dân, không sản xuất điện bằng mọi giá. Đồng thời cần chỉ đạo để sớm triển khai xây dựng thủy điện tích năng đầu tiên có công suất 1200 MW ở Ninh Thuận. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến năm nay, tổng công suất các nguồn điện trên hệ thống sẽ đạt 42 nghìn MW, trong đó sẽ có thêm khoảng 3600 MW nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành, đủ sức đáp ứng để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!