Sáng nay (15/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ đã tham dự Hội nghị tham vấn các chuyên gia nước ngoài để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thành một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là một cuộc tham vấn rất bổ ích vừa cung cấp thêm luận cứ cho việc xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm tới, vừa củng cố quyết tâm của Chính phủ đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo về hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Đại sứ quán Australia tổ chức một hội nghị quy mô nhất để Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng trực tiếp tham vấn các chuyên gia về đổi mới sáng tạo từ nhiều nền kinh tế đang thành công trong lĩnh vực này. Theo Báo cáo tương lai nền kinh tế số Việt Nam được xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ Australia, nếu Việt Nam chọn kịch bản chuyển đổi số thì sẽ có tác tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm là 1,1% từ nay đến năm 2045.
Nhiều chuyên gia về phát triển cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nền kinh tế số trong cuộc cách mạng 4.0 và đây là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Điều này, phù hợp với các chuyên gia trong nước khi góp ý kiến vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới đó là cần coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược. Nhưng đổi lại Chính phủ phải có một hệ thống chính sách đủ mạnh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cùng với phát triển một số trung tâm nghiên cứu quan trọng.
Sau hơn 3 tiếng lắng nghe các ý kiến tham vấn của các chuyên gia đến từ nhiều nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ ngay sau Hội nghị này khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy có nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao, vậy bí quyết là cái gì?. Thủ tướng nêu rõ, yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.
Dẫn ra mô hình tăng trưởng nội sinh của Nhà kinh tế được trao Giải Nobel Kinh tế năm ngoái đã chứng minh, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới chính là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Bởi nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng Việt Nam có thứ tài nguyên vô tận là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi con người Việt Nam. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất. Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Và người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, do đó, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.
Thủ tướng đặt mục tiêu, tới đây, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối tham mưu cho Chính phủ về các chính sách này. Đặc biệt chú ý đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu. Bởi Chính phủ muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo, chứ không chỉ kêu gọi xuông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ. Còn nghành thống kê nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh. Để tránh nghiên cứu rồi cất vào tủ. Đồng thời cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình "Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành". Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!