Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/07/2017 21:28 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế (Ảnh: chinhphu.vn)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế.

Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên là các nhà kinh tế người Việt đang làm việc ở nước ngoài, cùng nhiều nhà kinh tế có tên tuổi và Lãnh đạo của các Học viện, Viện nghiên cứu và trường Đại học lớn trong nước. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng là một thành viên của Tổ. Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Ngay sau khi được chính thức thành lập, sáng nay (29/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tổ Tư vấn.

Tổ Tư vấn đã trình bày với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Báo cáo về Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018 - 2020, được Thủ tướng đánh giá là những ý kiến sắc sảo, sâu sắc với tư duy đổi mới.

Báo cáo đã cho thấy nhiều mặt của nền kinh tế, trong đó có cả những tồn tại kéo dài nhiều năm, cũng như nguyên nhân làm cho năng suất thấp, quy mô doanh nghiệp quá nhỏ bé và nền kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoặc thực trạng Chính phủ hoạt động bằng nợ công, doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay.

Các thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó nhiều khuyến nghị giống như những giải pháp mà Thủ tướng và Chính phủ đang chỉ đạo điều hành. Đó là cải cách thể chế đi liền với cải cách bộ máy hành chính và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Ở khía cạnh cải cách thể chế, Tổ Tư vấn kiến nghị Thủ tướng cần giảm bớt tình trạng chồng chéo của hệ thống luật pháp, điển hình là Luật chính quyền địa phương giao quyền cho các tỉnh, thành, nhưng các luật chuyên ngành lại quy định ngược lại. Vì thế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã có cả biện pháp ngắn, trung và dài hạn, thậm chí là nhiều biện pháp rất quyết liệt; thậm chí, chưa có nhiệm kỳ nào Thủ tướng lại lo lắng và trăn trở cho doanh nghiệp như ở nhiệm kỳ này, nhưng các bộ, ngành và địa phương chuyển động rất chậm, nguyên nhân là hệ thống luật pháp chưa quy định được quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.

Do đó, Chính phủ nên thúc đẩy việc sửa ngay các đạo luật đang chồng chéo, nhất là về xây dựng và đầu tư, đồng thời rà soát lại các đạo luật chuyên ngành để phân cấp, giao quyền và ủy quyền nhiều hơn nữa cho địa phương, còn Chính phủ chỉ giám sát thông qua thanh tra công vụ. Nói như dân gian, "nhiều miếu thì nhiều thần, nên lúc này cần phải dỡ miếu, đuổi thần", bởi đột phá của đột phá vẫn phải là cải cách thể chế, có như thế bộ máy hành chính mới chịu vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, các thành viên của Tổ Tư vấn cho rằng, với thể trạng và động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm trở lại đây, trong nhiệm kỳ này tổng sản phẩm trong nước chỉ cần tăng trung bình được 6,5% thì đã là một thành tựu vô cùng lớn. Vì thế, Chính phủ cần lấy dấu ấn của nhiệm kỳ này ổn định kinh tế vĩ mô, không nên so sánh mức tăng trưởng của hiện nay để so với tăng trưởng trên 7% trước đây, vì thời điểm đó tăng trưởng cao đi cùng với lạm phát lên đến 12%.

Các thành viên của Tổ Tư vấn cho rằng, nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng 6,7% cho năm nay, nhưng mọi giải pháp không được đe dọa đến việc bảo đảm ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Việc Thủ tướng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là rất đúng, bởi không thể chấp nhận được tình trạng Kho bạc Nhà nước huy động vốn trái phiếu Chính phủ phải trả lãi, trong khi đồng vốn này không tiêu được. Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm chính là do lãnh đạo mới ở các bộ, ngành và địa phương không chịu trả nợ cho các dự án đã đầu tư, hoặc huy động các nguồn vốn từ xã hội theo quy định, mà chỉ muốn làm các dự án mới nên không đáp ứng được quy định của Luật đầu tư công.

Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng cũng khuyến nghị Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ thêm cho những địa phương tạo sức bật mới cho nên kinh tế như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì 1 đồng Nhà nước đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể giúp huy động thêm 14 đồng và 1% tăng trưởng ở đây có đóng góp lớn cho tăng trưởng của cả nước. Hơn nữa, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, hơn 50% tăng trưởng của các nước là từ các đô thị, vì thế tắc nghẽn về tăng trưởng ở đô thị sẽ giảm năng suất và giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, cải cách thể chế cần bắt đầu từ thể chế phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện cho các đô thị lớn phát triển để tạo lực kéo chứ không cào bằng.

Về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Tổ Tư vấn đề nghị cần giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng cách giảm kiểm tra chuyên ngành khoảng 30% của 100.000 mặt hàng. Chỉ với động thái này, doanh nghiệp và Nhà nước có thể tiết kiệm được gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Muốn làm được việc, vốn sẽ động chạm đến quyền lợi của nhiều bộ ngành này, Thủ tướng cần tạo ra áp lực và kỷ luật về hành chính đối với các bộ mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phần lớn những đề xuất của Tổ Tư vấn cho Thủ tướng là rất giá trị, với tầm nhìn dài hạn và đều là những giải pháp quan trọng cho những vấn đề lớn, vì nếu Thủ tướng mà đi sai đường hoặc dừng lại cả ở tư duy lẫn cách làm thì đều để lại những hậu quả rất lớn. Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng sẽ biến trí tuệ của các thành viên Tổ Tư vấn về kinh tế thành hành động cụ thể. Bởi khi đã phát hiện bất cập, biết cách làm, đất nước sẽ chuyển mình, không phụ lòng tin của nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước