Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) diễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ban chỉ đạo phải nỗ lực hơn để đất nước không còn bom mìn, hạn chế đến mức tối đa việc phơi nhiễm dioxin.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo 701 đã xác định được số xã ở 19 tỉnh và số diện tích đất bị ô nhiễm. Việc rà phá bom mìn cũng đã thực hiện được từ 30.000 - 50.000 ha/năm. Hiện việc xử lý chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành và sắp tới sẽ khởi động việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai - nơi đây cũng là điểm nóng về chất độc hóa học.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án "Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị quân đội Mỹ phun rải dioxin tại Việt Nam"; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp sinh kế nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại một số địa phương.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác xử lý bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh vẫn chưa đáp ứng so với quy mô yêu cầu vì chưa làm chủ được công nghệ xử lý, do đó yêu cầu lớn đối với các thành viên Ban Chỉ đạo là phải phát hiện những bất cập, tồn tại để làm tốt hơn trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu từng thành viên trong Ban chỉ đạo phải luôn xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một đất nước bị chiến tranh nhiều năm. Theo đó, cùng với việc tiếp tục xây dựng bản đồ ô nhiễm dioxin và bom mìn, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chế độ chính sách đối với số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị ảnh hưởng bởi dioxin để lập hồ sơ chính xác.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, việc hồ trợ phải đúng đối tượng, không để sót ai nhưng không được để tràn lan chứng nhận, dễ bị lạm dụng chính sách. Thủ tướng cũng yêu cầu sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án khu chứng tích chất độc hóa học tại sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tại phiên họp, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tranh thủ nguồn vốn ODA của Hungary để sớm triển khai dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại 5 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam và Quảng Trị; đồng thời Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp tham mưu việc đấu tranh giành quyền lợi và công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Cũng trong sáng 7/8, tại buổi gặp với đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi đến toàn thể hội viên của hội nhân dịp 57 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2018) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (ngày 10/8). Thủ tướng khẳng định, những nạn nhân là những tấm gương không đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó, vươn lên làm chủ số phận và hòa nhập cộng đồng.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của hội thời gian qua, nhất là việc tích cực hỗ trợ các nạn nhân tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại. Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội "hãy cùng nhau chung tay chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam", làm hết sức mình để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!