Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2018

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 29/12/2017 18:47 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải quyết tâm để đạt mức chỉ tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước là 6,7%.

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước mà Quốc hội giao cho Chính phủ năm tới là từ 6,5-6,7% nhưng tại Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải quyết tâm để đạt mức thấp nhất là 6,7%, đồng thời lãnh đạo các địa phương phải sát dân, sát cơ sở và hành động quyết liệt để thực hiện được phương châm "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả".

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách nhà nước năm nay đã vượt dự toán 5%, gấp đôi so với mức báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 vừa qua, bội chi ngân sách giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán và ở mức 3,8% GDP. Cập nhật thông tin so với số liệu hôm 28/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm nay Ngân hàng nhà nước đã mua gần 13 tỷ USD và dự trữ ngoại hối đến hôm nay (29/12) đạt gần 52 tỷ USD. Còn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cả nước hiện chỉ còn 6,9% và xuất khẩu lao động năm nay lần đầu tiên đạt 130.000 người tăng 30%. Còn trong 36 tỷ USD xuất khẩu nông sản, Việt Nam thặng dư được 8,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập trong năm nay, tăng nhiều lần so với các năm trước đây. Đạt được các kết quả này, các thành viên Chính phủ đánh giá đó là do niềm tin của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng lên.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảnh báo, năm tới sẽ có 600 dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN sẽ bị xóa bỏ. Ngoài ra, từ 60-90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc,Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng sẽ được giảm xuống. Đây sẽ là thách thức đối với xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phươngviệc cần rà soát lại các ngành hàng lĩnh vực của địa phương mình nhằm tận dụng được hết lợi thế, đi cùng với việc phải dựa vào các tổ hợp sản xuất điện tử, điện thoại và ô tô để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Để chủ động đối diện với những thách thức trong năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương địa phương phải nghiêm túc tiếp thu và quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 28/12 và ngay trong chiều nay, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 01 với 242 công việc cụ thể về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay để các địa phương triển khai ngay, nhằm không để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả". Thủ tướng cũng đặt ra mục tiêu cao đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước của năm tới.

Để đạt được yêu cầu cao này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ và địa phương "không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế", như Tổng Bí thư đã nhắc nhở, mà phải tái cơ cấu kinh tế thực sự ở ngành mình và địa phương mình, cũng như tìm ra được lợi thế cạnh trạnh và thế mạnh của địa phương mình để phát triển. Bởi tăng trưởng kinh tế nằm ở địa phương, nơi quản lý đất đai, hầm mỏ, nguồn lực, đến môi trường đầu tư, cán bộ thực hiện. Vì thế nếu địa phương mạnh, Chính phủ và Trung ương sẽ mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phải lấy kinh nghiệm của năm nay, đó là đoàn kết, cộng sự, nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ. Vì làm ì ạch không thể có cách mạng. Các địa phương phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ điều hành. Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm, kiểm tra được. Đồng thời phải tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đừng để chủ trương nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải thực hành tiết kiệm trong toàn xã hội để người dân cảm thấy Đảng và Chính phủ thực sự tiết kiệm để lo cho người dân. Để xây dựng nền kinh tế tự chủ, cần tìm ra cơ chế để phấn đấu năm nay tăng đầu tư xã hội lên 34% tổng sản phẩm trong nước, trong thu hút đầu tư nước ngoà phải hết sức chọn lọc, vì đến giờ này Việt Nam có quyền nói không với các dự án gây ô nhiễm môi trường và có công nghệ thấp.

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương trong phát triển phải bảo đảm theo tam giác kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường chứ không chỉ được tập trung vào kinh tế mà hy sinh môi trường, không bảo tồn và phát huy được văn hóa Việt Nam. Phát triển kinh tế nhưng xã hội phải bình yên hơn để mọi người dân Việt Nam kể cả người nghèo, người yếm thế cũng được hưởng cuộc sống đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là các địa phương phải làm tốt công tác dân vận, đối thoại và phục vụ chứ không dùng mệnh lệnh với dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, vì đây vốn vẫn là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai. Vì thế nút cổ chai này phải tháo gỡ để lời nói đi liền đến hành động, các chính sách, giải pháp từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy sẽ đến được dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 1 ở địa phương mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra một loạt các chỉ tiêu mới đối với các Bộ, ngành và địa phương trong năm nay, đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nông nghiệp tăng trưởng 3% và đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD so với 36 tỷ USD của năm nay. Còn du lịch phải đạt từ 15-17 triệu khách quốc tế so với 13 triệu của năm nay.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước