Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển và lãnh đạo của 6 nước đại diện khác ở châu Á và châu Phi bao gồm Lào, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Papua New Guinea và Chad đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ise Shima, Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trong bức thư mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trong 10 năm qua, Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế và hội nghị này là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò và góp phần củng cố sự liên kết giữa hai nước trong cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada, Mỹ và Nhật Bản thành viên của Nhóm G7 cùng lãnh đạo của các nước châu Á, châu Phi và người đứng đầu của 5 tổ chức quốc tế là Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á và sáng kiến Kết nối Mekong - Nhật Bản. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước G7 khác, trong đó có Mỹ và Nhóm Những người bạn của hạ nguồn sông Mekong cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong với sáng kiến mới về Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các nước G7 tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững. Thủ tướng cũng khẳng định lại cam kết của Việt Nam chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP-21 Paris vừa qua, bởi biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - một vựa lúa quan trọng của thế giới - đang phải chịu hạn hán và xâm mặn nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua, đe dọa cuộc sống và sản xuất của hàng triệu người dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long - hạ lưu sông Mekong.
Để chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ các nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tiếp tục hợp tác với các nước G7 và các tổ chức quốc tế theo mô hình ba bên giữa Việt Nam, FAO và châu Phi, cũng như giữa Việt Nam, Nhật Bản và châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với các nước ở châu Phi cũng như ở châu Á và Mỹ Latin.
Trước các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, thế giới đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình ở Biển Đông hiện nay đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử.
Thủ tướng cũng chia sẻ quan ngại của lãnh đạo các nước G7 về các thách thức đối với việc bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực; mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Bangladesh và các nước, tổ chức quốc tế khách mời kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin, nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Tại phiên thứ hai, các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe phát biểu của Tổng thống Chad và Thủ tướng Papua New Guinea và thảo luận về các vấn đề phát triển bền vững. Tại phiên này, các nước đều đánh giá cao các thoả thuận quốc tế đã đạt được như Chương trình nghị sự 2030 và COP-21; chia sẻ các kinh nghiệm và nhu cầu hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và hoan nghênh các sáng kiến y tế mà Nhật Bản thúc đẩy như chương trình tăng cường ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp, đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân, vấn đề kháng kháng sinh cũng như tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị, kinh tế - xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.